Đối tượng ném bột ớt khiến công an tử vong ở Long An: Tội giết người!

Google News

(Kiến Thức) - Luật sư cho rằng, nếu đối tượng điều khiển xe mô tô chạy với tốc độ cao, ném ớt bột vào mặt Trung úy Tân đang điều khiển xe mô tô ở khoảng cách gần nhau là hành vi nguy hiểm đến tính mạng người truy đuổi. Hành vi ấy đã cấu thành tội Giết người.

Liên quan vụ việc Trung úy Tống Duy Tân (30 tuổi) - Cảnh sát hình sự Công an huyện Cần Đước (Long An) tử vong khi truy bắt tội phạm, ngày 21/11, Công an huyện Cần Đước đã ra quyết định khởi tố vụ án trộm cắp tài sản.
Công an huyện Cần Đước đã bắt người trong trường hợp khẩn cấp 3 đối tượng trộm. Qua làm việc, các đối tượng được xác định là Lê Thành Đoán (26 tuổi), Trần Hà Anh (17 tuổi) cùng ngụ ấp 3 xã An Phú Đông, huyện Bình Chánh, TP.HCM và Nguyễn Đoàn Phước Bảo (22 tuổi), ngụ ấp 1, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Trước đó, khoảng 2 giờ 14/11, Tổ trinh sát hình sự huyện Cần Đước tuần tra chống tội phạm ban đêm trên tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Khi đến khu vực ấp Đồng Tâm, xã Long Trạch, Cảnh sát hình sự phát hiện nhóm đối tượng đang trộm xe ba gác máy của nhà ông Trần Hồng Thắm (46 tuổi, ngụ ấp Đồng Tâm, xã Long Trạch) chạy ra đường. Ngay lúc đó, tổ trinh sát áp sát để tổ chức bắt giữ.
Doi tuong nem bot ot khien cong an tu vong o Long An: Toi giet nguoi!
 Trung úy công an Tống Duy Tân hi sinh khi làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, nhóm trộm liền lên xe bỏ chạy, Trung úy Tân cùng trinh sát đuổi theo. Khoảng cách quá gần, bất ngờ một tên ngồi sau cầm gói bột ớt ném vào mặt trinh sát truy đuổi. Do trúng bột ớt và bị té ngã, Trung úy Tống Duy Tân bị thương nặng chuyển lên Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cấp cứu nhưng đã tử vong.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi phạm tội của các đối tượng không những xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân mà còn xâm phạm tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ.
Để có căn cứ xử lý đối tượng về hành vi điều khiển xe mô tô (nguồn nguy hiểm cao độ) ném bột ớt làm Trung úy công an tử vong thì cần làm rõ tốc độ, khoảng cách giữa 2 xe mô tô, vị trí ném ớt bột trúng vào Trung úy công an đang truy đuổi bằng xe mô tô.
Nếu có căn cứ xác định, đối tượng điều khiển xe mô tô chạy với tốc độ cao, ném ớt bột vào mặt Trung úy công an đang điều khiển xe mô tô ở khoảng cách gần nhau là hành vi nguy hiểm đến tính mạng người truy đuổi. Hậu quả xảy ra đến đâu thì đối tượng sẽ phải chịu đến đó.
Với hậu quả làm cho Trung úy Tân nếu bị ớt bột ném trúng mặt làm ngã xuống đường tử vong thì hành vi phạm tội của đối tượng đã cấu thành tội Giết người theo Điều 123 BLHS với lỗi cố ý gián tiếp.
Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi quy định tại Khoản 2 Điều 10 Bộ luật hình sự 2015, là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
Pháp luật buộc công dân phải nhận thức hành vi điều khiển xe mô tô với tốc độ cao, ném ớt bột trúng mặt vào người truy đuổi ở vị trí gần nhau là nguy hiểm đến tính mạng người khác. Giữa hành vi ném ớt vào trung úy công an ngã tử vong có mối quan hệ nhân quả.
Về ý thức chủ quan các đối tượng tuy không mong muốn làm chết người nhưng đã bỏ mặc hậu quả xảy ra thì với việc làm Trung úy Công an tử vong thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội Giết người là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Đối với hành vi trộm cắp, các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với giá trị chiếm đoạt theo Điều 173 BLHS.
Mời độc giả xem thêm video Trung tá Công an bị xe ủi cán tử vong:

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Điều 10. Cố ý phạm tội
Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)