Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an) đã bắt giữ 7 người trong băng giang hồ thuộc nhiều tỉnh thành để điều tra hành vi "cướp tài sản" liên quan vụ bắt cóc 1 gia đình doanh nhân cướp 35 tỷ đồng từ ví điện tử với thủ đoạn đầy tinh vi, táo tợn.
Nhóm đối tượng gồm Hồ Ngọc Tài (31 tuổi), Trần Ngọc Hoàng (37 tuổi, cùng ngụ TP.Đà Nẵng), Nguyển Văn Đức (24 tuổi, Đắk Lắk), Mai Xuân Phốt (28 tuổi, Quảng Nam), Trịnh Tuấn Anh (35 tuổi), Bùi Quang Chung (24 tuổi), Trương Chí Hải (31 tuổi, cùng ngụ TP.HCM).
Nạn nhân vụ doanh nhân tiền ảo bị cướp 35 tỷ trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây là ông L.Đ.N. - khá có tiếng trong giới chơi tiền ảo từ nhiều năm trước.
Dư luận đặt câu hỏi, với hành vi trên, nhóm đối tượng gây ra vụ bắt cóc, cướp tài sản sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
|
Nhóm đối tượng tại cơ quan công an. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá, đây là một vụ cướp táo tợn, manh động, thủ đoạn rất tinh vi, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, luật sư cho rằng, việc quan cảnh sát điều tra sớm phát hiện, triệt xoá băng cướp này là cần thiết và đáng biểu dương.
Luật sư Cường phân tích, theo thông tin ban đầu, nhóm đối tượng đã có thời gian dài lên kế hoạch thực hiện hành vi một cách tỉ mỉ, tinh vi, phân công nhiệm vụ cụ thể từ việc tìm hiểu chỗ ở, lịch trình, thói quen, phương tiện di chuyển của bị hại, đến việc theo dõi quá trình di chuyển, ấn định thời gian, lựa chọn địa điểm thực hiện hành vi, sử dụng ô tô để dàn cảnh một vụ tai nạn giao thông, dùng hung khí nguy hiểm (súng, dao, kim tiêm) uy hiếp (đe dọa giết vợ, tiêm máu chứa HIV vào em bé) nhằm lấy mật khẩu ví điện tử của bị hại để chuyển tiền có trong ví sang tài khoản khác để chiếm đoạt.
Ngoài ra, các đối tượng còn có hành vi khống chế, bịt mắt bị hại, chia bị hại ra đi trên các xe ô tô khác nhau, giật đứt camera hành trình gắn trên xe để che giấu, xóa dấu vết.
Do đó, có thể thấy, nhóm đối tượng không chỉ am hiểu về bị hại, về tài sản của bị hại mà còn có am hiểu nhất định về giao dịch điện tử, công nghệ kĩ thuật thông tin. Số tiền mà nhóm đối tượng này chiếm đoạt có giá trị rất lớn. Hành vi của nhóm đối tượng là hết sức liều lĩnh, táo tợn và coi thường pháp luật.
Từ phân tích trên, luật sư Cường cho rằng, dù các đối tượng không thừa nhận là tội phạm có tổ chức, không thừa nhận vai trò của đối tượng chủ mưu tuy nhiên cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ, quá trình hình thành băng nhóm và vai trò của từng đối tượng để xác định là đồng phạm giản đơn hay là tội phạm có tổ chức để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ ngoài vụ cướp đặc biệt lớn này, nhóm đối tượng này đã gây ra bao nhiêu vụ cướp trước đó, đối tượng nào là cầm đầu, khởi xướng vụ việc này. Nếu là đồng phạm giản đơn, không có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng, không có sự phân công phân nhiệm bàn bạc thì rất khó có thể thực hiện được những vụ cướp táo tợn như thế này một cách thành công.
Cơ quan công an sẽ điều tra làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích thực hiện hành vi của các đối tượng, mở rộng truy xét những người có liên quan để khởi tố vụ án, khởi tố bị can và có hình thức xử lý phù hợp.
Với hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác bằng vũ lực để nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của tội cướp tài sản theo quy định tại điều 168 bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, Điều 168 Bộ luật hình sự 2015 quy định người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo thông tin của vụ án này thì số tài sản cướp được từ doanh nhân tiền ảo lên tới 35 tỷ đồng. Do đó, các đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản theo quy định pháp luật nêu trên.
Bộ luật hình sự quy định, tội phạm có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Một nhóm hoạt động tội phạm có tổ chức như vậy thường sẽ có người tổ chức là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy và người tham gia với vai trò đồng phạm, có thể là đồng phạm thực hành, đồng phạm giúp sức tích cực như tham gia từ đầu, chuẩn bị hung khí, đi theo cổ vũ, khích lệ tinh thần, đồng phạm xúi giục như dụ dỗ, kích động phạm tội…
Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ vai trò của từng đối tượng để cá biệt hóa vai trò, làm cơ sở áp dụng mức hình phạt. Với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố, chống đối thì sẽ phải chịu mức án cao nhất. Với những đối tượng có vai trò xúi giục, giúp sức, vai trò thứ yếu trong đồng phạm thì chịu mức hình phạt thấp hơn.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Ngoài những đối tượng đã bị bắt giữ, rất có thể vụ án này còn có sự tham gia của các đối tượng khác, đồng thời trong nhóm này có thể còn có những đối tượng liên quan. Cơ quan điều tra cũng sẽ sẽ mở rộng điều tra, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với cơ quan đơn vị có liên quan để tập trung điều tra làm rõ vụ án và truy bắt các đối tượng có liên quan để xử lý nghiêm minh hành vi phạm tội.
Rất có thể, đây là các nhóm tội phạm. Trong trường hợp xác định là tội phạm nhóm, nhóm tội phạm thì kể cả các đối tượng không trực tiếp tham gia vụ án này thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự về đồng phạm, nhóm tội phạm.
Quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án sẽ làm rõ hành vi cụ thể của từng đối tượng, xác định đồng phạm và cá biệt hóa vai trò đồng phạm của từng đối tượng để có mức hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi của mỗi người.
Khi quyết định hình phạt, tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, cá biệt hóa vai trò đồng phạm để tuyên mức án phù hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung. Các tình tiết tăng nặng mà nhóm đối tượng này có thể bị áp dụng là phạm tội có tổ chức; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội; dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội.
“Sự việc này lại một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm pháp luật theo băng nhóm ở nước ta cùng với đó là sự phát triển của tội phạm liên quan đến các giao dịch điện tử, công nghệ thông tin, nhất là tại các thành phố lớn. Các cơ quan chức năng cần phải có nhiều giải pháp tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin trong việc phát hiện, truy bắt những đối tượng này” - luật sư Cường cho hay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nữ quái cướp sòng, trốn truy nã bị sa lưới