Những ngày gần đây, thông tin về việc doanh nghiệp tặng xe ô tô đắt tiền cho một số tỉnh, thành gây xôn xao dư luận. Trả lời báo chí, lãnh đạo các địa phương này cho rằng, doanh nghiệp tặng xe cho địa phương chỉ vì mục đích chung của địa phương, không có gì mờ ám hay tiêu cực. Song, nhiều ý kiến nghi hoặc, không tự nhiên một doanh nghiệp đi tặng cho cơ quan quản lý nhà nước một tài sản lớn như vậy. Động cơ, mục đích của việc cho – nhận này là gì khi trị giá của mỗi chiếc xe lên tới hàng tỷ đồng.
Về nội dung ngày, phóng viên VOV phỏng vấn ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bến Tre.
|
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bến Tre. |
PV: Việc chính quyền địa phương nhận quà tặng có giá trị lên tới hàng tỷ đồng từ doanh nghiệp gợi cho ông suy nghĩ gì?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cũng đã đọc bài báo liên quan đến vấn đề tặng xe cho tỉnh Cà Mau, TP Đà Nẵng. Tôi có suy nghĩ, thứ nhất, việc các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nói chung tặng tài sản cho địa phương, cơ quan nhà nước, cơ quan Trung ương đã có quy định của pháp luật và không vi phạm các quy định của pháp luật. Tức là họ có quyền tặng và các cơ quan có quyền nhận tài sản này.
Theo quan điểm của tôi, nếu các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân tặng tài sản cho chính quyền địa phương thì các địa phương, các cơ quan nhà nước nên sử dụng vào mục đích công hơn là để dành riêng cho các đồng chí lãnh đạo. Mặc dù lãnh đạo cũng phục vụ nhiệm vụ công nhưng người dân nhìn vào thấy phản cảm.
Đã có các tiêu chuẩn nhà nước về xe cho lãnh đạo nhưng bây giờ họ đi những chiếc xe quá sang, biển số đẹp thì người dân đánh giá chính quyền lo cho các đồng chí quá nhiều. Trong khi đó, Nhà nước cũng như địa phương đang thiếu tiền để lo nhà ở cho người có công, người nghèo… nhưng chúng ta lại sử dụng khoản đó để lo xe cộ cho các đồng chí lãnh đạo đi lại thì không ổn.
|
Một trong 2 xe Lexus do doanh nghiệp tặng tỉnh Cà Mau. |
PV: Trả lời báo chí về động cơ, mục đích của việc cho và nhận xe ô tô, đại diện các địa phương đều khẳng định việc doanh nghiệp tặng xe cho địa phương chỉ vì mục đích chung của địa phương và không có mờ ám, tiêu cực gì. Ông có tin câu trả lời này hay không?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Họ đưa một thông tin khiến tôi rất băn khoăn: một là, ở Cà Mau được tặng 2 chiếc xe Lexus 460 rất đắt tiền; Hai là, ở Đà Nẵng, doanh nghiệp tặng xe cho lãnh đạo thành phố đi nhưng có biển số rất đẹp. Việc doanh nghiệp tặng tài sản theo đúng quy trình thủ tục và theo Nghị định 29 năm 2014 của Chính phủ đều được quyền nhận. Chưa bàn đến vấn đề tiêu cực nhưng việc này tạo nên tâm lý không tin tưởng về tính minh bạch, công minh, khách quan của địa phương đối với các doanh nghiệp này trong quá trình xử lý những vấn đề liên quan đến quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là quá trình đấu thầu, vấn đề thuế, xử phạt vi phạm…
PV: Như vậy ông cũng rất băn khoăn câu trả lời của địa phương. Dư luận cũng không đồng tình với câu trả lời như vậy bởi thành ngữ có câu: “Bánh ít trao đi, bánh chì trao lại” và đó có thể là những dự án, những khoản vốn vay ưu đãi. Thưa ông, dư luận nghi ngờ như vậy liệu có cơ sở hay không?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Dư luận nghi ngờ như vậy là có cơ sở. Nếu theo bài báo viết về câu chuyện Công ty Công lý ở Cà Mau mà chính quyền xử nhẹ thì bắt đầu dư luận nghi ngờ. Tôi cho rằng, đây là một bài học đáng phải xem xét.
PV: Ngoài Cà Mau, TP Đà Nẵng, vào năm 2016, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra ở Ninh Bình và có thể sẽ xảy ra ở nhiều địa phương khác. Rõ ràng, đây là một hình thức hợp thức hóa biếu quà, bởi nếu thực tâm làm công tác xã hội thiện nguyện thì họ sẽ dành những khoản đó cho người dân, trẻ em… Thưa ông, đằng sau câu chuyện này phải chăng đây là những “viên gạch” lót đường cho mối quan hệ làm ăn lâu dài giữa doanh nghiệp và địa phương?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Bất kỳ một ai tự nhiên tặng cho địa phương những khoản hậu hĩnh như thế, đặc biệt là gắn liền với các đồng chí lãnh đạo thì cần phải đặt câu hỏi. Còn vấn đề có tham nhũng hay không thì chưa thể khẳng định nhưng chắc chắn nó sẽ tạo ra quan hệ tốt, tạo ra sự nể nang, thậm chí tạo điều tốt cho doanh nghiệp. Dĩ nhiên, địa phương tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp thì đáng hoan nghênh, tuy nhiên, điều sợ nhất là không công bằng giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.
PV: Thực tế ô tô đã được các doanh nghiệp làm quà tặng cho một số địa phương và bộ ngành, cũng thật khó nói rõ động cơ tặng – cho của doanh nghiệp và cũng khó tránh sự suy đoán về một động cơ không phù hợp. Pháp luật một số nước như Mỹ, Singapore đã có một số quy định về mức giá trị quà tặng cụ thể mà các quan chức được nhận. Xưa các cụ ta có câu: “Muốn tròn phải có khuôn/Muốn vuông phải có thước”, phải chăng từ những câu chuyện này cho thấy chúng ta đã có những kẽ hở trong quy định pháp luật để tạo ra nguy cơ tham nhũng đối với các cá nhân, tập thể, thưa ông?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Ở đây người ta tặng cho Nhà nước chứ không tặng cho cá nhân. Nhưng những quà tặng đó gần như được sử dụng cho cá nhân các đồng chí lãnh đạo.
Tôi mong muốn các đồng chí lãnh đạo địa phương nhìn nhận vấn đề người ta tặng cho mình để nhận hay không nhận. Nếu nhận thì nên quy định cho các công trình gì, cho phúc lợi chung, cho người nghèo, người có công… Nhà nước cũng cần có cuộc sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị định 29 năm 2014 và quy định một cách chặt chẽ thêm, vì danh chính ngôn thuận vấn đề đó là đúng nhưng việc sử dụng lại không ổn.
PV: Xin cảm ơn ông.