Dư luận mấy ngày qua nóng lên với câu chuyện về dự án thiết bị vệ sinh trên 821 toa xe tàu Thống Nhất trong đó có nguồn tin cho rằng giá trung bình của mỗi bộ thiết bị vệ sinh lên tới 230 triệu đồng/bộ trong khi chất lượng không đảm bảo, thẩm mỹ kém và có mùi hôi thối.
|
Ảnh minh hoạ. |
Trước thông tin này, Tổng công ty Đường sắt cho biết trong 821 bộ thiết bị vệ sinh trên tàu Thống Nhất chỉ có 199 bộ thiết bị vệ sinh sử dụng công nghệ Nhật với giá trung bình 110 triệu đồng/bộ. Ngành đường sắt thừa nhận, nhiều buồng vệ sinh sử dụng công nghệ Nhật bốc mùi hôi nhưng nguyên nhân chính là do hành khách không quen dùng, làm hư hỏng thiết bị.
Còn theo báo cáo kiểm tra của Cục Đường sắt Việt Nam, 1 trong 3 chủng loại thiết bị vệ sinh tự hoại, được lắp đặt và sử dụng trên tàu do hãng Chodai cung cấp, đang bộc lộ một số bất cập.
Cụ thể, loại thiết bị vệ sinh này sử dụng công nghệ tự hoại, giá thể (chế phẩm sinh học) dùng để xử lý chất thải phải được giữ khô trong quá trình sử dụng, nên không phù hợp với thói quen và điều kiện thực tế ở Việt Nam. Trên thực tế, hành khách đã sử dụng nước dư thừa khiến cho chế phẩm sinh học nhanh bị hư hỏng, giảm hiệu quả xử lý. Bên cạnh đó, kiểu thiết kế lộ thiên của giá thể và bộ trộn của hệ thống gây phản cảm với hành khách.
Ngoài ra, nhiệt lượng cao để duy trì hoạt động của giá thể làm bốc mùi hôi ngược trở lại nhà vệ sinh và toa tàu; kích thước thiết bị lớn trong khi diện tích buồng vệ sinh trên toa xe quá chật hẹp nên rất khó sử dụng.
Do đó, tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các buồng vệ sinh có lắp thiết bị vệ sinh của Chodai đều phải đóng lại hoặc hạn chế sử dụng.
Để đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường trên tàu, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị Tổng Công ty Đường sắt khẩn trương khắc phục ngay các tồn tại của thiết bị vệ sinh do Chodai cung cấp; báo cáo về Cục trước ngày 31.3.
Theo Tổng công ty đường sắt, dự án “Lắp đặt thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách" được đầu tư từ tháng 1.2014 theo chỉ đạo của Bộ Giao thông, với mục tiêu cải tạo, lắp đặt thiết bị thu gom chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách, chấm dứt xả thải ra môi trường. Trong đó hơn 90% thiết bị xử lý chất thải được lắp đặt cho hơn 1.100 toa tàu hiện nay là sản phẩm “Made in VN”, còn lại là sản phẩm Nhật và Mỹ.
Tổng vốn đầu tư cho chương trình này gần 200 tỉ đồng thay vì hơn 300 tỉ đồng như dự toán ban đầu, trong đó phần dùng thiết bị của Chodai chỉ khoảng 22,5 tỉ đồng với 199 bộ thiết bị bio- toilet B50 cùng đơn giá khoảng 110 triệu đồng/bộ.
Được biết, thiết bị bio-toilet của Nhật Bản là thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt theo nguyên lý dạng khô, hoàn toàn không sử dụng nước. Chất thải và nước tiểu được trộn lẫn với mùn cưa cùng các chế phẩm sinh học sẽ được đảo trộn trong bể xử lý. Nhiệt lượng từ trong bể sẽ làm hóa hơi toàn bộ phần nước có trong chất thải của con người và được hệ thống quạt hút đưa ra bên ngoài.