Điều tra: Tài xế “rút ruột” cà phê của chủ hàng

Google News

Công an huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng cho đơn vị nghiệp vụ xác minh, xử lý và sẽ thông tin cho báo nhằm phối hợp tuyên truyền, ngăn chặn hành vi vi phạm.

Trên các số báo trước, chúng tôi thông tin các tài xế khi chở cà phê từ Lâm Đồng về các tỉnh Đông Nam Bộ tranh thủ ghé quán cơm, tiệm đổ nước xe trên Quốc lộ 20 để “làm hàng mẫu”.
Thường các tài xế chạy xe thuê lấy trộm mỗi chuyến hàng từ 30 kg đến cả trăm kg cà phê mà chủ hàng giao, buộc chủ xe phải đền tiền, bị dọa cắt hợp đồng.
Dieu tra: Tai xe “rut ruot” ca phe cua chu hang
 Công an huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng kiểm tra quán cơm ông Thoại và làm việc với vợ chồng chủ quán. Ảnh: H.NGHĨA
Chủ xe đuổi việc tài xế trộm cắp
Ngày 21/2, trao đổi với chúng tôi, anh NVD, chủ một cơ sở vận tải chuyên chở cà phê thuê ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, cho hay: Sau nhiều chuyến giao hàng, đơn vị vận tải của anh bị chủ hàng trừ tiền cước vì liên tục cân thiếu hàng.
Bức xúc vì việc này, anh đã tổ chức theo dõi các xe chở cà phê của công ty và phát hiện tài xế L đã ghé quán cơm ông Thoại. Qua xác minh, anh D phát hiện tài xế L đã lấy cà phê trên xe bán cho chủ quán cơm và anh đã đuổi việc tài xế L.
Dieu tra: Tai xe “rut ruot” ca phe cua chu hang-Hinh-2
Trước khi công an kiểm tra, kho luôn chứa đầy cà phê nhưng khi công an đến, kho trống rỗng. Ảnh: H.NGHĨA 
Trả lời PV vì sao khi phát hiện hành vi nói trên không báo công an, anh D cho biết không bắt được trực tiếp L lấy hàng bán và giá trị hàng bị lấy không lớn, hơn nữa khi báo công an sẽ mất nhiều thời gian nên anh chỉ đuổi việc tài xế và thông báo cho các tài xế khác mà thôi.
Còn anh NDV, chủ một đơn vị vận tải khác, cho hay là bị đại lý cà phê dọa cắt hợp đồng vì nhiều lần giao thiếu hàng. Anh đã đến quán cơm ông Thoại làm việc. “Ngoài việc bị đền số hàng tài xế bán trộm, tôi còn bị dọa chấm dứt hợp đồng vận chuyển. Chưa kể việc tài xế phun nước lên xe cà phê để bù lại số hàng đã bán khiến nguy cơ hư luôn toàn bộ xe cà phê hàng chục tấn nên chúng tôi đã yêu cầu quán cơm không mua cà phê của tài xế nữa, nếu không tôi sẽ làm lớn chuyện” - anh V nói.

Trưởng Công an huyện Đạ Huoai cho biết những thông tin Pháp Luật TP.HCM phản ánh là có cơ sở và công an đang làm rõ để xử lý.

Công an sẽ xác minh, xử lý theo quy định
Ngày 28/2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Nguyễn Thanh Nam, Trưởng Công an huyện Đạ Huoai, cho biết sau khi tiếp nhận thông tin Pháp Luật TP.HCM phản ánh, qua xác minh, cơ quan này khẳng định những thông tin mà báo đưa là có cơ sở.
Tối 27/2, Công an huyện Đạ Huoai đã kiểm tra hành chính và phát hiện quán cơm này có một cái kho, tuy nhiên thời điểm kiểm tra trong kho không chứa cà phê bao.
“Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Đạ Huoai sẽ tiếp tục xác minh và đấu tranh làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) mà Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trong những ngày qua” - trưởng Công an huyện Đạ Huoai nói.
Trước đó, lãnh đạo Công an huyện Đạ Huoai cho biết đã nắm được vụ việc quán cơm ông Thoại thu mua cà phê từ các tài xế xe tải từ nguồn tin của quần chúng...
Công an huyện đã chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ vào cuộc để có hướng xử lý các hành vi vi phạm và sẽ thông tin cho báo chí nhằm phối hợp tuyên truyền, ngăn ngừa vi phạm.•
Chủ quán cơm, tài xế có dấu hiệu phạm tội gì?
Theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai), hành vi tài xế, phụ xe lấy hàng bán cho chủ quán cơm có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản.
Theo luật sư Quân, đặc trưng của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản. Ở đây, hành vi của tài xế là lén với chủ hàng, chủ xe để trộm cà phê đã thỏa mãn dấu hiệu của tội trộm cắp.
Ông phân tích thêm: Hành vi lén lút có thể là hành vi lén lút đối với chủ sở hữu tài sản nhưng công khai với người khác, hoặc hành vi đó được thực hiện trước mắt nhiều người nhưng họ không biết được đây là hành vi trộm cắp tài sản.
“Hành vi lấy cà phê bán cho quán cơm, tiệm đổ nước xe có dấu hiệu của tội trộm cắp chứ không phải lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” - luật sư Quân nhận định.
Luật sư Quân cũng lưu ý khi cơ quan chức năng vào cuộc thì phải chứng minh giá trị hàng mà các lần tài xế trộm cắp phải từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự mới đủ cấu thành của tội trộm cắp tài sản.
Còn hành vi mua cà phê của chủ quán cơm, nếu cơ quan chức năng chứng minh được chủ quán biết rõ đó là tài sản trộm cắp nhưng vẫn mua là có đủ dấu hiệu của tội tiêu thụ tài sản do trộm cắp mà có.
Theo Hiếu Nghĩa/ PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)