Cuộc họp tối 4/12 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan cùng với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang để tìm giải pháp cho Trạm thu phí BOT Cai Lậy đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
|
Người dân dùng tiền lẻ trả phí trạm BOT Cai Lậy. - Ảnh VNE. |
Tại đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã khẳng định nếu phát hiện ai có sai phạm, kể cả Bộ trưởng, đều sẽ kỷ luật nghiêm khắc. Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước đã vào kiểm tra dự án này và hiện Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đang kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật khẳng định Bộ đã rà soát lại toàn bộ các quy trình thủ tục đầu tư, xây dựng trạm BOT Cai Lậy và kết luận thủ tục đầu tư không sai so với quy định pháp luật.
Thế nhưng dù tất cả các thủ tục “không sai” như khẳng định của Bộ Giao thông vận tải, thì lý giải thế nào trước một thực tế hiển nhiên là người dân không đồng tình với hoạt động của trạm thu phí này? Ngoài danh sách 14 xe mà theo báo cáo của Bộ và UBND tỉnh Tiền Giang là chỉ chuyên chạy đi chạy lại qua trạm BOT Cai Lậy để ‘gây rối”, thì phần lớn những người dân, những tài xế qua trạm này và cả các ý kiến trên báo chí cũng đều thể hiện quan điểm không ủng hộ.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa.
Có thể nói, đây chính là quan điểm nền tảng, là tinh thần làm việc để từ đó có thể đưa ra giải pháp xử lý những vấn đề như BOT Cai Lậy. Trước đó, trong các văn bản, báo cáo của mình, dường như các cơ quan vẫn quá nghiêng về hướng khẳng định mình “không sai” mà không đề cập tới việc quyết định được ban hành có phù hợp thực tiễn không, có hợp lòng dân không.
Cũng tại cuộc họp, sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1-2 tháng để Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn.
Trong khi Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện phương án cuối cùng trình Thường trực Chính phủ quyết định, các cơ quan liên quan cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm như khai tăng khối lượng, cũng như xem lại mức phí và vị trí đặt trạm thu phí để vừa bảo đảm quyền lợi của người dân vừa góp phần thúc đẩy các dự án BOT giao thông. Bộ Giao thông vận tải đánh giá tổng thể cơ chế chính sách đầu tư đối với các dự án BOT. Kiên quyết không được để vấn đề kinh tế phát sinh thành các bất ổn xã hội.
Việc người dân và các tài xế vỗ tay reo hò, thậm chí mổ gà vịt để ăn mừng cho thấy những yêu cầu, quyết định của Thủ tướng tại buổi làm việc đã đề cập thẳng tới vấn đề cốt lõi nhất trong toàn bộ câu chuyện BOT Cai Lậy.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng đã nêu rõ về nội hàm của khái niệm “Chính phủ kiến tạo” và sự khác nhau giữa Chính phủ kiến tạo và Chính phủ quản lý điều hành.
Theo đó, Chính phủ kiến tạo chủ động hơn về thể chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư phát triển. Chính phủ điều hành là có pháp luật rồi, chỉ điều hành trên khung khổ pháp luật đó. Chính phủ kiến tạo phải chủ động hơn, bộ máy năng động hơn và có sáng kiến nhiều hơn, nghiên cứu thế giới xung quanh nhiều hơn chứ không rơi vào thế bị động.
Tại buổi kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng tại Bộ Giao thông vận tải ngày 30/11 vừa qua, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh “đề nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Thủ tướng để thúc đẩy công việc nhanh hơn, tốt hơn”. Trước đó, Thủ tướng cũng nhiều lần nhắc nhở các thành viên Chính phủ phải tránh tình trạng “thể chế do chúng ta nghĩ ra mà chúng ta lại sợ nó”.
Những phát biểu của Thủ tướng cho thấy việc các cơ quan nhà nước chỉ quản lý, điều hành trên khung khổ pháp luật có sẵn là không đủ. Trong bối cảnh mới, yêu cầu đặt ra không chỉ là “không sai” so với quy định mà mọi quyết định còn phải phù hợp với tình hình thực tế, hợp với lòng dân và khi cần thiết, phải chủ động đề xuất, sửa đổi thể chế, chính sách cho phù hợp. Chỉ khi đó, quá trình phát triển kinh tế-xã hội mới không kéo theo những “điểm nóng” tiềm ẩn đầy bất ổn như trạm BOT Cai Lậy.