Gian lận bằng mọi cách
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thời gian qua, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền lớn, cố tình chây ì và thời gian nợ kéo dài của các doanh nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Tính đến hết tháng 9-2019, cả nước còn 32.205 đơn vị bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3-6 tháng với số tiền 987 tỉ đồng (tăng 118 đơn vị với số tiền 48 tỉ đồng so với tháng 8); 12.849 đơn vị với 745 tỉ đồng (giảm 13 đơn vị và số tiền nợ tăng 41 tỉ đồng) nợ từ 6-12 tháng và 14.982 đơn vị với số tiền 2.931 tỉ đồng nợ trên 12 tháng.
|
Doanh nghiệp kí biên bản công bố quyết định thanh tra. |
Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2018, lực lượng thanh tra chuyên ngành đóng của bảo hiểm xã hội các địa phương phát hiện nhiều trường hợp người lao động được chủ doanh nghiệp ký hợp đồng lao động mùa vụ 25 ngày nhiều lần liên tục trong 2 năm. Sau khi hết hạn hợp đồng 2- 5 ngày, họ lại được ký tiếp “hợp đồng lao động mùa vụ”.
Hoặc tại một doanh nghiệp, đoàn thanh tra phát hiện nhiều người lao động được ký hợp đồng lao động một năm (từ 6/2017) nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Theo hồ sơ doanh nghiệp cung cấp, đến tháng 12/2017 người lao động xin thôi việc nhưng đến tháng 4/2018 (3 tháng sau) lại được tiếp nhận vào làm việc với hợp đồng lao động mới và tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 4/2018…
Theo ông Nguyễn Trọng Nam, Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra (Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, trước đây, doanh nghiệp thường trốn đóng bảo hiểm xã hội bằng cách ký hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng. Họ ký tối đa 2 hợp đồng rồi sau đó giấu đi, chỉ khi bất đắc dĩ mới phải cung cấp.
Các doanh nghiệp thường có 3 loại hồ sơ (gồm hợp đồng lao động, bảng lương), trong đó một bộ để lưu hành trong nội bộ doanh nghiệp, giữa các cổ đông; một bộ để báo cáo cơ quan chức năng, ngân hàng và một bộ để dùng cho chính người lao động.
Tuy nhiên, từ 1/1/2018, “chiêu” ký 2 hợp đồng dưới 3 tháng sẽ không thể áp dụng, vì Luật Bảo hiểm xã hội quy định hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên phải đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động nên khả năng phát hiện doanh nghiệp gian lận sẽ cao hơn.
Quyết liệt tăng thu giảm nợ
Theo ông Mai Văn Thắng, Phó trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nguyên nhân cơ bản của tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội là hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa tốt.
Không ít doanh nghiệp dù hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn bình thường, vẫn có lợi nhuận, lương thưởng cho người lao động đầy đủ nhưng lại cố tình chây ì, nợ bảo hiểm xã hội.
Người lao động, một mặt do sức ép việc làm, một mặt do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách cho nên chưa chủ động đấu tranh với chủ sử dụng lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
Để hạn chế gia tăng nợ với quyết tâm nợ thấp hơn năm 2018, ngoài các giải pháp thông thường, từ đầu năm 2019 Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai một số giải pháp. Trong đó, có yêu cầu cán bộ chuyên quản phải thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp, lập biên bản nếu nộp muộn, qua 2 lần lập biên bản thì báo cáo để lập đoàn thanh tra xử phạt.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thanh tra kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Trần Đức Long cho hay, trong thực tế, công tác thanh tra của Ngành gặp rất nhiều tình huống khác nhau. Do đó, ngoài nắm vững nghiệp vụ, cán bộ thanh tra luôn phải lưu ý tiên liệu trước các tình huống có thể xảy ra để ứng xử phù hợp.
Ngoài nắm vững kiến thức pháp luật, các đoàn thanh tra cũng cần linh hoạt xử lý, tránh máy móc. Ví dụ, một đợt thanh tra 10 doanh nghiệp vi phạm, khi bắt tay vào nhiệm vụ, nếu phát hiện 1-2 doanh nghiệp vi phạm thì phải lập biên bản xử phạt ngay, chứ không phải “máy móc” đợi đến khi thanh tra đủ cả 10 doanh nghiệp mới xử lý.
“Sau khi thanh tra xong, phải kiên quyết yêu cầu người đại diện pháp luật hoặc người được ủy quyền hợp pháp của doanh nghiệp ký biên bản làm việc, chứ không thể có chuyện người không có ủy quyền đúng pháp luật ký tên trong biên bản” - ông Trần Đức Long nêu giải pháp.