Theo thông báo của Đại sứ quán Đức ngày 27/7, Cơ quan Nội vụ Đức tạm thời chưa công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam, được cấp từ ngày 1/7, vì thiếu thông tin về nơi sinh.
Nhà chức trách Đức lý giải hộ chiếu không ghi nơi sinh thì không thể xác định được rõ ràng người mang hộ chiếu, đặc biệt nhiều trường hợp trùng họ.
Cơ quan công quyền ở Đức, việc tìm nơi sinh thông qua số định danh trong hộ chiếu là không thể thực hiện được. Do đó, Đức sẽ không thể cấp thị thực vào những hộ chiếu thuộc mẫu mới màu xanh tím than có số series bắt đầu bằng chữ “P”. Người mang mẫu hộ chiếu mới sẽ không được nhập cảnh vào Đức để lưu trú ngắn hạn.
Lãnh đạo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, sau khi nắm bắt thông tin, cơ quan này đang cùng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, trao đổi với phía Đức qua con đường ngoại giao.
Nhiều khác biệt giữa hai mẫu hộ chiếu
Được biết, mẫu hộ chiếu phổ thông mới được thực hiện theo Thông tư số 73 quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan.
Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa hai mẫu hộ chiếu này: Cụ thể, hộ chiếu mới có 50 trang, ở trang bìa có màu xanh tím than, còn với hộ chiếu mẫu cũ là màu xanh lá cây.
Hình ảnh bên trong hộ chiếu mẫu cũ. Ảnh: Đoàn Bổng
Về thông tin công dân, hộ chiếu mẫu mới bao gồm các thông tin: hình ảnh chân dung; loại; mã số; ở dưới là họ và tên; ngày sinh; quốc tịch; số căn cước công dân... So với hộ chiếu mẫu mới, hộ chiếu mẫu cũ còn có thêm thông tin về "nơi sinh".
Bên trong các trang của hộ chiếu mẫu mới là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước như: Vịnh Hạ Long, kinh đô Huế, đền Hùng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, cảng Nhà Rồng, cột cờ Lũng Cú, cổng Tò Vò - đảo Lý Sơn… Còn hộ chiếu mẫu cũ không in các hình ảnh nêu trên mà có các hình ảnh về quốc huy và các hoa văn đặc trưng khác.
Theo Bộ Công an, công dân đã được cấp hộ chiếu mẫu cũ trước ngày 1-7-2022 sẽ tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu.