“Điểm thi của bạn rất thấp, đừng chờ đợi nguyện vọng, đến ngay ĐH Gia Định để nhập học sớm…” – nội dung tin nhắn của trường Đại học Gia Định được gửi đến hàng loạt thí sinh và tư vấn thí sinh đến trường để làm thủ tục, nộp hồ sơ ngay sau thời gian Bộ GD&ĐT và các địa phương công bố điểm thi tốt nghiệp THPT.
Nội dung tin nhắn “chê thí sinh điểm rất thấp” trên ngay sau đó đã khiến nhiều thí sinh, phụ huynh đã tỏ ra phẫn nộ và phản ứng gay gắt trên các diễn đàn mạng xã hội.
Không khó để nhận ra mục đích gửi tin nhắn trên chỉ là chiêu trò PR chào mời thí sinh lựa chọn Đại học Gia Định. Tuy nhiên, một trường đại học lôi kéo thí sinh bằng nội dung tin nhắn phản cảm đã khó có thể chấp nhận, gửi tin nhắn nhiều nhiều lần đến một thí sinh, gửi nhiều thí sinh có điểm thi cao, thậm chí gửi đến cả thí sinh thủ khoa thì lại càng phản cảm.
|
Ảnh minh họa. |
Thậm chí, thật lố bịch khi các thí sinh dù không đăng ký nguyện vọng vào trường vẫn nhận được tin nhắn chúc mừng đủ điều kiện trúng tuyển vào trường, thậm chí vào từng ngành học cụ thể…
Trước sự phản ánh, bức xúc của các thí sinh nhận được những tin nhắn spam trên, Đại học Gia Định đã “chữa cháy” cho chiêu PR phản cảm của mình bằng cách đăng tải lời xin lỗi trên trang fanpage, website của trường Đại học này. Đồng thời gửi tin nhắn biện minh do “hệ thống SMS của ĐH Gia Định đang bị sự cố nghiêm trọng…”.
Dù nhà trường có giải thích do sự cố SMS, nhiều người vẫn cho rằng, đây là chiêu PR có mục đích rõ ràng nhưng “kém sang”, thậm chí phản cảm để lôi kéo thí sinh lựa chọn trường Đại học Gia Định, phục vụ mục đích tuyển sinh của trường. Bởi khó có thể xảy ra sự cố khi một nội dung tin nhắn trước khi được gửi đi rộng rãi đến các thí sinh từ một cơ sở giáo dục như ĐH Gia Định lại không có sự kiểm soát từ phía lãnh đạo nhà trường.
Có lẽ, vụ việc trên sẽ là bài học sâu sắc cho trường Đại học Gia Định trong việc áp dụng các chiêu thức để tuyển sinh kiểu “vơ bèo vạt tép” khi nhắn tin đến cả những thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào trường. Khi áp dụng cách thức tuyển sinh phản cảm sẽ dẫn đến sự phản ứng, thậm chí phản tác dụng khi thực tế, ngay trong tối 28/8, hàng loạt thí sinh đã lập trang facebook "Hội điểm thấp cũng không vô Đại học Gia Định", bày tỏ lập trường với nhà trường.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) mới đây cho biết, tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường đại học. Chất lượng nguồn tuyển đầu vào là để bảo đảm thí sinh đủ năng lực theo học ngành nghề đào tạo một cách tốt nhất. Nếu bản thân các trường cố tình tuyển không đúng, hoặc tuyển chất lượng quá thấp so với yêu cầu của ngành nghề đào tạo, sản phẩm đầu ra sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, sinh viên không thể tốt nghiệp và uy tín thương hiệu của nhà trường bị ảnh hưởng. Về lâu dài, các trường không còn uy tín để tuyển sinh nữa.
Trên thực tế, tiến tới tự chủ đại học, vấn đề tuyển sinh ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của một trường đại học khiến việc tuyển sinh trở thành một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các trường đại học, năm này sang năm khác, cứ mỗi mùa tuyển sinh không ít trường lại “căng như dây đàn” với nỗi lo không đủ sinh viên.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm nay, các trường đại học, cao đẳng hoặc học viện trên toàn quốc sẽ tổ chức tuyển sinh theo nhiều hình thức khác nhau. Riêng với hình thức xét tuyển thông qua học bạ, các thí sinh ứng tuyển bằng cách nộp kết quả thi tốt nghiệp THPT để xem xét phù hợp với tiêu chí trúng tuyển của trường.
Đối với các trường đại học top trên, việc tuyển sinh khá dễ dàng bởi uy tín tên tuổi, chất lượng giáo dục đào tạo đã được khẳng định. Ngay ở thời điểm Bộ GD&ĐT chưa công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học top trên đã xét tuyển được 50% chỉ tiêu thông bằng phương thức xét học bạ hoặc xét tuyển kết hợp, các chỉ tiêu còn lại dành cho xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, dự kiến điểm chuẩn các trường này cũng sẽ tăng mạnh.
Tuy nhiên, với những trường đại học, cao đẳng không thuộc top đầu, thì đây là thời điểm bắt đầu cuộc cạnh tranh khốc liệt để tuyển sinh. Đây là mục tiêu sống còn của các trường đại học. Do đó nhiều trường đã bất chấp chất lượng để chạy theo số lượng, tuyển cả những thí sinh có điểm thi thấp, tung ra các chiêu trò để thu hút thí sinh như quấy rối thí sinh qua các tin nhắn, gọi điện tư vấn, gửi email spam, quảng cáo về việc giảm học phí, cơ hội học bổng, việc làm…
Thực tế không chỉ chiêu trò nhắn tin đến thí sinh để chào mời cả các thí sinh có điểm thi rất thấp gửi đi khắp nơi để lôi kéo học viên mà mới đây, tại Đà Nẵng và một số địa phương còn xuất hiện tình trạng dội bom thư “nói xấu”, dùng truyền thông để hạ bệ, đánh sập website của trường trong mùa tuyển sinh đối với các trường đại học cao đẳng…
Cụ thể, thời gian qua nhiều học sinh, phụ huynh nhận được thư nặc danh có nội dung không chính xác, thiếu khách quan về nhiều trường ĐH ở Đà Nẵng. Trong đó, tài liệu và thư nặc danh chủ yếu bới móc, quy chụp, bôi nhọ; phân tích “lợi hại” của các trường để “định hướng” thí sinh nên chọn ngành nào, trường nào, học phí trường nào phù hợp nhất. Tài liệu còn thống kê điểm cộng, điểm trừ các trường…
Điều này không chỉ thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh môi trường giáo dục đại học trong thời điểm hiện nay.
Do đó, Bộ GD&ĐT cần có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời, thậm chí cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những cơ sở giáo dục đại học sử dụng các chiêu trò phản cảm trong tuyển sinh. Đồng thời, các thí sinh cũng cần tỉnh táo, cân nhắc để lựa chọn trường Đại học có uy tín để theo học.
Đối với các trường đại học, đòi hỏi các trường muốn phát triển bền vững ngoài xây dựng hình ảnh phải bảo đảm chất lượng đào tạo, nâng cao uy tín nhà trường thay bằng sử dụng các chiêu trò tuyển sinh, coi các thí sinh thành “con mồi” trong mùa săn tuyển sinh. Nếu làm được điều đó thì mùa tuyển sinh sẽ không còn những cuộc cạnh tranh, chạy đua theo số lượng mà xem nhẹ “chất lượng’ đầu vào, hơn nữa khi đó, các thí sinh sẽ tự tìm đến các trường để đăng ký nguyện vọng theo học chứ không phải nhắn tin, gọi điện mời chào một cách phản cảm như trên.
>>> Mời độc giả xem thêm video Công bố phương án tuyển sinh Đại học 2020