Liên tiếp các vụ xâm hại tình dục ở trẻ em xảy ra trong thời gian này đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong dân chúng. Và một trong các biện pháp mạnh được đưa ra là “thiến” bằng hóa chất. Trong cuộc tọa đàm diễn ra chiều 14/3 vừa qua, thậm chí có một luật sư còn đề xuất biện pháp “thiến hóa học” đối với kẻ phạm tội.
Hiện các nước ở Châu Âu như: Đức, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan, Argentina, Australia, Israel, New Zealand... đã áp dụng hình phạt này đối với tội phạm ấu dâm. Còn ở Việt Nam liệu có triển khai được hình phạt này không?
|
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch. |
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, với quan điểm luật sư, ông không đồng ý sử dụng biện pháp “thiến hóa học”.
Luật sư Tuấn Anh phân tích, chúng ta đang sống trong một xã hội pháp quyền, vì vậy chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính hay áp dụng hình phạt đối với người phạm tội hình sự khi có điều luật quy định về hình phạt đó.
“Hiện nay, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn chưa có quy định nào liên quan đến câu chuyện hình phạt “Thiến hóa học” – ngôn ngữ hiện nay đang được cộng đồng sử dụng khá phổ biến trên mạng đối với kẻ phạm tội xâm hại tình dục ở trẻ em.
Với cá nhân, tôi không đồng tình với hình phạt như vậy. Về pháp luật, tôi cho rằng, hiện nay, các hình phạt của Việt Nam đối với tội phạm liên quan đến các hành vi ấu dâm đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Đó là tội hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em và tội dâm ô trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em. Đối với những loại tội phạm này, do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của các hành vi và ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ em, các mức hình phạt đối với các hành vi này đã khá nặng (khung hình phạt cao nhất có thể là tử hình). Theo pháp luật Việt Nam, hình phạt ngoài tính chất răn đe còn mang tính giáo dục.
Chính vì vậy, tôi cho rằng những hình phạt hiện tại có trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam đã đủ và đáp ứng đảm bảo với việc xử lý những kẻ có hành vi ấu dâm. Vì thế, chúng ta không cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng đưa thêm hình phạt thiến hóa học” – Luật sư Tuấn Anh cho biết.
Theo Luật sư Tuấn Anh: “Dù hành vi ấu dâm đã gây nên bức xúc cho xã hội cũng như bản thân nạn nhân cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường về nhân cách trẻ em. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một xã hội pháp chế.
Chính vì vậy, chúng ta chỉ thực hiện những biện pháp nào mà pháp luật quy định. Và trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam chưa có nói đến hình phạt là thiến hóa học. Cho nên, đề xuất đó nếu để áp dụng cho Việt Nam là không đúng quy định và không phù hợp với pháp luật Việt Nam hiện tại”.
Trong khi đó, Luật sư Lê Văn Luân (người tham gia bào chữa cho cháu bé 8 tuổi bị xâm hại tình dục ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc áp dụng hình phạt thiến hóa học với những kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em là hoàn toàn cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Luật sư Luân cho biết, thực tế, việc thiến hóa học đã được áp dụng tại một số nước như Mỹ, Indonesia, Hàn Quốc để ngăn chặn các hành vi đồi bại.
Tại Việt Nam các hình phạt đối với tội dâm ô nhìn chung còn khá thấp so với các nước có quy định xử phạt, do vậy, chưa đủ sức răn đe, trừng phạt.
|
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc thiến hóa học có thể giảm tỷ lệ tái phạm ở tội phạm tình dục xuống còn 5%. Ảnh minh họa: Getty. |
Với tội dâm ô, có việc sờ soạng, đụng chạm vùng kín của trẻ được chia ra làm 3 khung xử phạt: Khung thứ nhất là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, Khung thứ 2: Phạt tù 3 -7 năm, Khung thứ 3: Phạt tù 7 - 12 năm. Đối với hành vi cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em, mức cao nhất là 15 năm. Với các trường hợp gây thương tổn từ 61% trở lên phạt tù từ 7-15 năm. Trong khi đó, ở Indonesia, mức phạt lên đến tử hình đối với tội cưỡng dâm trẻ em. Riêng đối với tội dâm ô ở Việt Nam còn thiếu sự cụ thể hóa, phân hóa trong các điều luật.
Chẳng hạn, tại một số nước trên thế giới việc cho trẻ em xem ảnh khiêu dâm, xem phim sex, gợi ý sex đều có thể quy vào hành vi mang tính tội phạm. Tuy nhiên ở Việt Nam, hoàn toàn chưa có quy định này, hình thức xử phạt có khi chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính, mà không quy vào tội hình sự.
“Đây rõ ràng là một lỗ hổng của luật pháp Việt Nam”, Luật sư Luân nói.