Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội đã đưa ra ý kiến về đề xuất này.
Tại cuộc họp với các bên liên quan đến SGK mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua SGK đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.
|
Học sinh một trường miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam trong giờ học Toán. (ảnh: Hà Linh)
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Bộ GD&ĐT phải làm rõ các vấn đề quan trọng liên quan đến các bộ SGK mới trên tinh thần công khai, cởi mở, giữ vững định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời tiếp thu xu thế của thế giới, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Khi được hỏi ý kiến, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội nói rằng, ông rất hoan nghênh đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc dùng ngân sách nhà nước mua SGK đưa vào thư viện trường.
Về phía người tiêu dùng, ông Khang cho rằng, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu vùng xa… nơi nào cũng có người giàu, người nghèo, người sẵn tiền mua một lúc 2 bộ SGK, trong đó một bộ để ở lớp và 1 bộ để ở nhà cho con đỡ phải mang vác. Người có ít tiền hơn thì mua 1 bộ SGK (kể cả bộ cũ)… Do đó, trong đề xuất hiện nay chúng ta không nên chỉ nghĩ đến người nghèo, mà đưa ra giải pháp “cào bằng” dường như tất cả đều nghèo. Thay vào đó nên có các giải pháp khác nhau phù hợp với khả năng đa dạng của mọi người dân.
Nơi nào cũng có người giàu, người nghèo. Trong đề xuất hiện nay chúng ta không nên chỉ nghĩ đến người nghèo, mà đưa ra giải pháp “cào bằng” dường như tất cả đều nghèo."
"Ví dụ, bộ SGK cấp độ 1 có giá cao, NXB tính toán in giấy tốt, in đẹp 4 màu. Theo đó, phụ huynh nào có điều kiện, khả năng sẽ mua SGK loại này cho con. Bộ SGK thứ 2, giá vừa phải, sẽ được in trên giấy rẻ hơn, in 2 màu… Với cách làm này, người ít tiền có SGK giá mềm để mua, nghĩa là có sự lựa chọn", ông đề xuất.
Khi đó, Nhà nước sẽ cấp ngân sách mua bộ SGK ít tiền hơn trang bị cho thư viện các trường học, người dân nào không có tiền mua SGK cho con có thể mượn của thư viện nhà trường, cuối năm học trả lại. Ngoài ngân sách nhà nước, trường học vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tặng SGK cho thư viện, tủ sách dùng chung cho nhiều thế hệ học sinh là cách làm rất hay, học sinh cũng có ý thức giữ gìn sách để học nhiều năm, tránh lãng phí.
Về phía đơn vị làm SGK, thầy Khang nói rằng, Nhà nước đã có chủ trương xã hội hoá và chủ trương này đã hiện thực hoá 3-4 năm nay. Câu chuyện về giá đang có nhiều ý kiến tranh cãi nhưng cần phải tôn trọng cơ chế thị trường, đảm bảo cho đơn vị làm SGK tồn tại bền vững lâu dài. Nghĩa là làm SGK phải có lãi hợp lý, không bị lỗ vốn dẫn đến phá sản.
Nên in bộ SGK cấp độ 1 có giá cao, NXB tính toán in giấy tốt, in đẹp 4 màu. Phụ huynh nào có điều kiện, khả năng sẽ mua SGK loại này. Bộ SGK thứ 2, giá vừa phải, sẽ được in trên giấy rẻ hơn, in 2 màu để người ít tiền có sự lựa chọn. Khi đó, Nhà nước sẽ cấp ngân sách mua bộ SGK ít tiền trang bị cho thư viện các trường học, người dân nào không có tiền mua SGK cho con có thể mượn của thư viện nhà trường, cuối năm học trả lại.
“Giá bộ SGK mới nhiều tiền hơn bộ sách cũ, có rất nhiều lý do chính đáng, hiển nhiên như: Số đầu sách nhiều hơn, trang in nhiều hơn, giấy và chất lượng in ấn tốt hơn, số bản in của mỗi bộ ít hơn, có nhiều bộ sách thì công biên soạn tăng gấp nhiều lần. Một điều nữa là Nhà nước không có tài chính để tài trợ các đơn vị làm SGK và thực ra không nên tài trợ mà để các đơn vị tự sản xuất và điều chỉnh”, thầy Khang nói.
Thầy Khang cũng cho rằng, không nên dùng biện pháp hành chính để ép giá SGK, gây khó cho các đơn vị làm sách. Bản chất của cơ chế thị trường là cạnh tranh lành mạnh về chất lượng và giá cả. Khi chúng ta có các đơn vị cùng làm sách, chính họ sẽ cạnh tranh về giá cả, chất lượng để bán được nhiều.