Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn sáng 26/10, bão số 9 - Molave đã di chuyển vào Biển Đông, gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Trong 2 ngày tới, bão di chuyển với vận tốc ổn định 20-25 km/h và tiếp tục mạnh lên.
Từ đêm 27 đến ngày 28/10, khu vực đất liền chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu gió bão. Bão Molave có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Đà Nẵng - Phú Yên với sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 13.
Đà Nẵng sơ tán dân trước 15h ngày 27/10
Ngày 26/10, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm triển khai các biện pháp ứng phó bão số 9.
Ông Thanh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức khẩn trương rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường. Các địa phương cần kiểm tra khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn.
|
Dự báo đường đi của bão số 9 trong bản tin khẩn cấp lúc 9h sáng 26/10. Ảnh: NCHMF. |
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các địa bàn ven biển tiếp tục cấm tàu thuyền ra khơi. Tỉnh này quyết định hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống bão, lũ cho đến khi bão tan. Các đơn vị chỉ đạo người dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 đến 10 ngày.
Quảng Nam cũng có công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương thông báo cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên nghỉ học ngày 27 và 28/10.
Cùng ngày, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã yêu cầu sơ tán người dân trước 15h ngày 27/10.
Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, cho biết nguy cơ cao xảy ra mưa rất lớn tập trung trong thời gian bão ảnh hưởng và đổ bộ gây lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu.
Đặc biệt, lưu ý các khu vực ven sông Túy Loan, Cu Đê (các xã Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Bắc, Hòa Liên, phường Hòa Hiệp Bắc); lũ, ngập úng vùng trũng thấp, ven sông và đô thị.
Để ứng phó cơn bão số 9 - bão Molave, ông Lê Trung Chinh yêu cầu các Sở GTVT, Thông tin Truyền thông, Xây dựng, Công Thương và các sở ngành liên quan, khẩn trương kiểm tra, chuẩn bị tất cả phương án.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu tất cả các công trình phải dừng hoạt động trước 15h ngày 27/10. UBND các quận, huyện phối hợp đơn vị liên quan kiểm tra công trình hồ đập, công trình xây dựng, hạ hết tất cả các cần cẩu, giàn giáo, những phương tiện phục vụ việc xây dựng, để đảm bảo an toàn cho người dân. Đặc biệt, phải di dời người dân ở những nơi nguy hiểm và yêu cầu tất cả các tàu thuyền vào bờ trước 15h chiều 26/10.
Quảng Ngãi cấm biển
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu tất cả bộ máy tỉnh khẩn trương vào cuộc để phòng, chống bão số 9.
Theo ông Tuân, hậu quả để lại của cơn bão số 12 năm 2017 là bài học không thể quên. “Tôi yêu cầu tất cả phải sẵn sàng cho việc ứng bão số 9, tuyệt đối không lơ là, chủ quan”, ông Tuân chỉ đạo.
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đề nghị Sở NN-PTNT bám sát lượng mưa, báo cáo UBND tỉnh, xem xét việc xả lũ phù hợp để hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du.
|
Bão số 12 năm 2017 gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 174 điểm có khả năng sạt lở cao, tập trung khắp các địa phương. Trong đó, nhiều nhất là ở TP Nha Trang như: xã Phước Đồng, Vĩnh Lương, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phương... Vì vậy, ông Tuân đề nghị các địa phương cũng phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, di dời dân đến nơi an toàn.
“Tôi yêu cầu phải di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, việc này phải làm ngay, quyết liệt. Hộ nào không chấp hành thì cưỡng chế di dời”, ông Tuân nói.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho lồng bè nuôi thủy hải sản của ngư dân.
“Bão số 12 năm 2017 đã gây thiệt hại nặng nề. Do đó, chúng ta phải vận động, di dời dân về nơi tránh trú an toàn, cần thiết phải sử dụng chế tài để di dời. Nếu để dân chết chúng ta là người có tội”, ông Tuân nói.
Đối với huyện đảo Trường Sa, các lực lượng quân đội, biên phòng liên lạc với các đơn vị đóng quân nhanh chóng kêu gọi tàu thuyền và chuẩn bị sẵn sàng tất cả mọi thứ để phòng chống bão số 9.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quy trình xả tràn tự do đối với các hồ chứa nước có dung tích nhỏ.
Hiện, Phú Yên hiện có khoảng 163 tàu cá với 962 lao động đang hoạt động ở vùng biển giữa Biển Đông và đông nam quần đảo Trường Sa và 124 tàu cá với 570 lao động hoạt động gần bờ đi về trong ngày ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.
Tất cả các tàu cá hoạt động trên biển đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến của bão số 9 để chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và thường xuyên liên lạc về gia đình và bộ đội biên phòng.
Ngày 26/10, Quảng Ngãi ra công văn nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 20h ngày 26/10.
Các địa phương hướng dẫn nhân dân di dời, sơ tán, chằng chống nhà cửa theo phương thức “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, đảm bảo tất cả người dân đều thường xuyên nắm thông tin, chủ động phòng, chống bão.
Quảng Ngãi xin ý kiến của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trong việc sử dụng hầm trú ẩn trên huyện đảo Lý Sơn để làm nơi tránh trú cho nhân dân khi bão đổ bộ.