Đê bao Quảng Điền, huyện Krông Ana là công trình đê bao kè bê tông lớn nhất tỉnh Đăk Lăk. Với mức đầu tư hơn 312 tỷ đồng, công trình được kỳ vọng sẽ bảo vệ lâu dài cho gần 3 nghìn ha lúa lại địa phương. Thế nhưng mới chỉ qua 1 trận lũ, công trình đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Số vốn đầu tư trăm tỷ có nguy cơ trôi sông khi thêm vài đợt lũ nữa, còn cơ quan quản lý chưa biết phải xử lý như thế nào đối với công trình này.
|
Những đoạn đê bị sạt lở kéo dài. |
Trên suốt đoạn đê từ trạm bơm T21 đến trạm bơm T22, thuộc địa phận thôn 1, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana dài 1km, lớp thảm bê tông trên bề mặt đê bị bong tróc hoàn toàn. Những mảng bê tông kè mái đê cũng bị sụt trượt, đổ gãy, tạo thành rãnh sâu. Thậm chí có những chỗ hổng tạo thành hố rộng từ 30-40 cm. Kế tiếp đoạn đê này, tuy mặt đê không còn bong tróc nhưng vẫn liên tục xuất hiện những đoạn kè bê tông bị sạt lở, chiều dài sạt lở từ hơn 100 mét đến gần 1 nghìn mét. Với tình trạng xuống cấp như hiện nay, chỉ thêm một hai trận lũ nữa, đê Quảng Điền có thể bị vỡ.
Theo người dân địa phương, mức độ xuống cấp, hư hỏng đáng lo ngại như hiện nay là do chất lượng thi công không đảm bảo. Ông Lê Văn Sơn, một nông dân trong xã, nói: Tuyến đê bao này chỉ nhiều cát với đá, xi măng có rất ít. Lũ về nước tràn hết vào trong, còn đê thì hư hỏng nặng, nếu giờ có một đợt lũ nữa thì đê này chắc không còn.
Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng công trình và nghi vấn của người dân về chất lượng, ông Y Hương Niê, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện cho rằng: Các cơ quan chức năng của huyện và của tỉnh đã nghiệm thu những đoạn đê hoàn thành, do vậy không có cơ sở để kết luận nguyên nhân sạt lở là do chất lượng kém. Theo ông Y Hương đê sạt lở là do bị ngập trong lũ suốt hơn 1 tháng vào cuối năm ngoái.
"Trong quá trình sử dụng và khai thác, đê bao bây giờ đã xuống cấp do hiện tượng thiên tai cuối 2016 và đầu năm 2017 gây ra ngập trong thời gian tương đối dài, ảnh hưởng đến nền của đê bao. Trong quá trình đó dòng chảy của sông cũng làm ảnh hưởng đến nền của đê bao, có những đoạn lở gần sát vào thân đê".
|
Người dân dùng rơm phủ lên những đoạn hư hỏng nặng để dễ qua lại. |
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk, sau đợt mưa lũ kéo dài vào tháng 11/2016, trên toàn tuyến đê bao Quảng Điền có 20 điểm sạt lở nghiêm trọng kéo dài từ 800m đến 1.200m và hàng chục điểm sạt lở cục bộ. Điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính an toàn hồ đập. Trước mùa mưa bão năm nay, Sở Nông nghiệp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đưa việc sửa chữa khắc phục những điểm sạt lở của hệ thống đê bao này vào danh mục ưu tiên thứ hai trong các công trình thủy lợi cần sửa chữa. Tuy nhiên, về phía địa phương đến nay vẫn chưa có phương án khắc phục cụ thể nào.
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đăk Lăk cho biết: Sở đã có ý kiến với huyện lập một dự án để bảo trì sửa chữa đê bao này, nhưng đến nay huyện vẫn chưa làm được việc đó vì kinh phí đề nghị lớn. Vừa rồi, tỉnh đã bố trí để sửa chữa tạm thời ở những điểm có nguy cơ mất an toàn cao. Về lâu dài đã nhiều lần nhắc nhở với huyện phải làm đề xuất chủ trương đầu tư những đoạn xung yếu để sửa chữa nâng cấp nhưng đến nay vẫn chưa làm được.
Mới đầu mùa mưa, Đăk Lăk đã có lũ lớn, gây ngập hơn 1.500 hécta cây trồng, báo hiệu mức độ nguy hiểm cao của mưa lũ năm nay. Trong khi đó, tuyến đê đảm bảo an toàn cho hơn 3 nghìn héc ta lúa, liên quan đến đời sống của hàng vạn hộ dân ở huyện Krông Ana, vẫn trong tình trạng sạt lở. Nếu không khắc phục kịp thời, tuyến đê trăm tỷ sẽ bị cuốn xuống lòng sông. Và khi ấy, chẳng những đời sống của người dân trở nên khó khăn, nhưng câu hỏi: Đâu là nguyên nhân thật sự của việc đê được xây dựng kiến cố đảm bảo đúng tiêu chuẩn thiết kế, nhưng vừa đưa vào sử dụng đã vỡ, vẫn chưa được trả lời.