Liên quan đến những vụ bạo lực gia đình, có những người vì muốn gìn giữ gia đình mà xin tha tội cho người chồng vũ phu.
Nỗi sợ “xấu chàng hổ ai”
Mới đây dư luận không khỏi bàng hoàng, bức xúc trước trường hợp của chị Phạm Thị T (sinh năm 1980) ở xã Trà Giang (Kiến Xương, Thái Bình) bị chồng dùng dây xích sắt khóa cổ.
|
Chị T và con gái út đang sinh sống tại nhà bố mẹ đẻ. Ảnh: 24H |
Sau khi sự việc chồng khóa cổ vợ bị phát hiện, chồng chị là Lại Thanh Tùng (SN 1973) đã thừa nhận hành vi và khai vì vợ chồng mâu thuẫn nên mới khóa cổ vợ. Ban đầu, Tùng vẫn ngụy biện và cho rằng vì T là vợ nên anh ta có quyền quản lý, muốn làm gì thì làm. Hành động của Tùng khiến ai nhìn vào hình ảnh cũng phẫn nộ, thế nhưng, điều bất ngờ là, chị T lại sẵn sàng bỏ qua tất cả và vẫn luôn khẳng định chồng chị là người yêu vợ thương con.
Lý giải về hành động này chị T cho biết, chị không muốn để gia đình ly tán, hai con của chị (một gái, một trai) đang tuổi ăn, tuổi lớn không muốn để con bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chị T cũng liên tục giải thích và viết đơn xin giảm tội cho chồng với lý do anh là người yêu thương vợ con, chịu khó làm ăn, chỉ vì ghen tuông nên mới hành động bột phát như vậy… Vì vậy, chị T xin được giải quyết nội bộ.
Dư luận lên án người chồng mười phần thì cảm thấy phẫn nộ bảy phần trước cách xử lý của người vợ. Nhiều ý kiến cho rằng, cho dù chị T có xin giải quyết nội bộ, nhưng cũng nên có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này. Về vấn đề này, TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện xã hội học Việt Nam) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc người vợ viết đơn kiến nghị xin tha cho chồng. Có thể là người vợ là người yếu thế, phụ thuộc vào kinh tế của chồng, cũng có thể là người phụ nữ sợ cảnh gia đình tan nát.
“Nhìn rộng ra có thể thấy người vợ vẫn muốn kỳ vọng vào cuộc hôn nhân, không muốn chồng có tiền án tiền sự. “Người ta bảo xấu chàng hổ ai”, hành động đó của người phụ nữ không hẳn là vì còn tình yêu với chồng mà vì họ sợ mang tiếng với hàng xóm” –TS Bình phân tích.
TS Bình cho rằng, rất khó để can thiệp ở trường hợp này bởi bản thân người phụ nữ không mong muốn được giúp đỡ, chị T không nhận thức được sự đúng sai trong hành vi của chồng. Nếu xã hội can thiệp, có thể chị T sẽ cho rằng người đời muốn phá vỡ hạnh phúc của họ nên một mực muốn xử lý người chồng.
Không thể xin lỗi là xong
Về trường hợp của chị T, sau khi được triệu tập, người chồng nhận lỗi, hứa không đối xử bạo hành với vợ, người phụ nữ nói tha thứ vì thấy chồng quá yêu mình nên mới ghen. Do nạn nhân không có kiến nghị, cơ quan chức năng sẽ xử lý hành chính vi phạm của người chồng, tuyên truyền giáo dục tại cộng đồng.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cho biết, nguyên nhân sâu xa của BLGĐ là do tư tưởng bất bình đẳng giới, lối xử sự gia trưởng từng tồn tại dai dẳng ở nước ta. Từ lâu nay, chế độ phụ hệ, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” kéo theo sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới.
Dẫn lại thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao, bà Ngọc Anh cho biết trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do BLGĐ. Còn theo theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, trong đó có hơn 10% phải điều trị hàng năm có liên quan tới BLGĐ. Theo báo cáo của Bộ Công an, trên cả nước cứ khoảng 2-3 ngày lại có một phụ nữ bị giết có liên quan đến BLGĐ.