Thảo luận tại hội trường ngày 29/5 khi góp ý dự án Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) bày tỏ nhiều băn khoăn liên quan dự án luật này.
“Băn khoăn lớn nhất của tôi khi đọc dự án Luật An ninh mạng là Điều 15. Mặc dù liệt kê đủ những thông tin xấu cần ngăn chặn, gỡ bỏ trên không gian mạng, tuy nhiên như chúng ta biết trong cuộc sống hàng ngày khó có thể khẳng định đúng, sai, nhiều khi ranh giới rất mong manh”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu ý kiến.
Đại biểu Hiếu đặt câu hỏi: “Vậy ai là người quy định, đánh giá nội dung các thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an?
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu dẫn kinh nghiệm của Indonesia trong Điều 15a luật sửa đổi năm 2017 đã quy định rất rõ ràng là "người đưa ra phán xét thông tin xấu là Tòa án".
|
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. |
Băn khoăn thứ 2 của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tại điều 26 dự án Luật trên.
“Điều 26 cũng cần viết rõ ràng hơn, nếu viết chung chung là "khi có văn bản của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thì các nhà cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải cung cấp tất cả các thông tin khách hàng của mình".
Như vậy, tôi nghĩ có một nguy cơ lớn có thể bị lạm dụng, xâm phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp đã quy định. Cần quy định rõ ràng về văn bản của cấp nào, trong hoàn cảnh nào thì cơ sở cung cấp dịch vụ không gian mạng phải cung cấp toàn bộ thông tin”, ông Nguyễn Lân Hiếu cho biết.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, tại Điều 26 mục 4 khoản d về lưu trữ thông tin cá nhân của người sử dụng còn quá chung chung, cần chi tiết, cụ thể hơn.
Luật An ninh mạng là một luật mới không chỉ ở Việt Nam mà cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới vì sự bùng nổ của vấn đề không gian mạng trong thập kỷ này. Dự luật mới trình Quốc hội được một kỳ là kỳ trước còn rất nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp của các đại biểu Quốc hội và trong dư luận xã hội rất nhiều ý kiến trái chiều.
“Vì vậy, tôi rất mong Quốc hội thận trọng xem xét, trước khi quyết định thông qua tại kỳ họp này. Đây là điều luật có thể thay đổi rất nhiều môi trường hoạt động kinh doanh, đầu tư của nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế đang hòa nhập rất mạnh với thế giới, chúng ta cần hết sức thận trọng, tránh những ví dụ không tốt đã xảy ra trên thế giới như nước láng giềng Indonesia vừa ra một điều luật về quy định hệ thống thông tin và giao dịch điện tử năm 2017, ngay lập tức đã tạo ra một số hậu quả và hiện nay chính người ta đang chuẩn bị sửa chữa, bổ sung cho thời gian trước mắt”, đại biểu Hiếu nói.
Đồng ý với đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, những phân vân của đại biểu Hiếu rất có lý.
Theo đại biểu Cầu, thực tiễn tất cả những thông tin này đều được cơ quan chức năng thông qua một cơ chế, đó là trưng cầu giám định. Lực lượng an ninh mạng cho rằng cái này là xâm phạm, cái kia xâm phạm.
“Chúng tôi đã làm rất nhiều vụ án về tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm hại lợi ích nhà nước, tổ chức và lợi ích hợp pháp của công dân. Tất cả những tài liệu trên mạng khi cơ quan điều tra thu thập được đều phải trưng cầu giám định. Nếu những tài liệu này liên quan đến văn hóa thì Bộ Văn hóa, Thể thao giám định, liên quan đến Sở Thông tin, Truyền thông thì Sở giám định và trả lời bằng một văn bản. Trên cơ sở giám định ấy chúng ta có thể kết luận được những tài liệu nào phải được quy định trong Điều 15”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.