ĐBQH: Chủ doanh nghiệp trốn về nước, người lao động không đòi được BHXH

Google News

Dẫn thực tế, chủ doanh nghiệp trốn về nước, nợ đóng BHXH chưa đòi được, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, việc có cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động là rất cần thiết.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Cần thiết có cơ chế đặc thù bảo vệ người lao động
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) cho rằng, quy định về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động (điều 41) là rất cần thiết.
DBQH: Chu doanh nghiep tron ve nuoc, nguoi lao dong khong doi duoc BHXH
 Đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ). Ảnh: QH.
Theo đại biểu, đây là một yêu cầu cấp bách nhằm giải quyết những trường hợp đặc biệt, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người tham gia BHXH.
Thực tiễn ở tỉnh Phú Thọ qua làm việc với ngành chức năng liên quan cho có nhiều doanh nghiệp nợ đóng BHXH chưa đòi được.
“Có trường hợp chủ doanh nghiệp trốn về nước, người lao động trong doanh nghiệp không được hưởng quyền lợi BHXH. Mặc dù dự thảo Luật lần này đã có những sửa đổi nâng cao hiệu quả xử lý vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH, chắc chắn sẽ có tác động tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động. Nhưng vấn đề là, nhiều trường hợp dù xử phạt, khởi tố thậm chí không thể xử lý (do chủ doanh nghiệp trốn về nước) thì người lao động vẫn sẽ là người thiệt thòi nhất trong khi họ không có lỗi. Những người này cần được bảo vệ, hỗ trợ thông qua cơ chế đặc thù”, đại biểu Nguyễn Thành Nam nêu thực tế.
Chính vì vậy, đại biểu đoàn Phú Thọ nhất trí cao về sự cần thiết phải có quy định về cơ chế đặc thù để phòng ngừa và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu tính toán nguồn lực từng bước mở rộng hơn đối tượng người lao động được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho khoảng thời gian bị chậm đóng, trốn đóng để bao phủ nhóm người yếu thế như người bị suy giảm khả năng lao động. Đặc biệt là những trường hợp do tai nạn lao động; người ốm đau thường xuyên, có bệnh nền ...
Cần bổ sung người sử dụng lao động báo cáo tình hình đóng BHXH
Cũng quan tâm tới quyền lợi người lao động, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng BHXH cho người lao động.
DBQH: Chu doanh nghiep tron ve nuoc, nguoi lao dong khong doi duoc BHXH-Hinh-2
 Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ). Ảnh: QH.
Theo đó, tại Điều 12, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng BHXH cho người lao động hàng quý đến cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đây cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng BHXH cho người lao động.
Đối với biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng BHXH bắt buộc, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu, môi giới việc làm…để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định làm việc. Quy định này cũng nhằm nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch.
DBQH: Chu doanh nghiep tron ve nuoc, nguoi lao dong khong doi duoc BHXH-Hinh-3
 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định). Ảnh: QH.
Nêu ý kiến tới cơ chế đặc thù tại Điều 41, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) cho rằng, đây là quy trình thực hiện BHXH đồng bộ với điểm a khoản 1 Điều 54 về thứ tự phân chia tài sản tại Luật Phá sản năm 2014. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động trong bất cứ trường hợp nào cũng được xem xét là đối tượng ưu tiên hàng đầu, phải thực hiện các thủ tục pháp lý về phá sản và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT với doanh nghiệp.
Về biện pháp xử lý vi phạm chậm, trốn đóng BHXH đối với doanh nghiệp được quy định tại Điều 37 đến Điều 40, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nhận thấy, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động.
Tuy nhiên, có sự chưa tương thích giữa Luật Bảo hiểm y tế và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vào xử lý hoặc chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm.
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)