Bên trên máy bay quần thảo, bên dưới là biệt kích
Trong những ngày này, hòa trong không khí náo nức của hàng vạn người đến thành phố Điện Biên để kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, có những cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. Họ là những người lính đã trực tiếp tham gia chiến dịch, dù tuổi đã cao, sức yếu, nhưng ký ức về những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” vẫn in rõ trong tâm trí.
|
Cưụ chiến binh Điện Biên Phủ Tạ Văn An xúc động khi thăm lại những kỷ niệm một thời hoa lửa. Ảnh: Mai Loan. |
Gặp lại đồng đội, thăm lại những nơi đã diễn ra cuộc chiến sinh tử, với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” năm nào, họ rưng rưng xúc động. Niềm hạnh phúc xen lẫn với nỗi bùi ngùi, thương nhớ khi nhiều đồng đội của họ đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, mãi mãi nằm lại mảnh đất này.
Trong các cựu chiến binh đó, có người đã ở tuổi 103. Đó là cụ Tạ Văn An (TP Điện Biên). Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, cụ Tạ Văn An cho hay, khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cụm tuyến 2, Nà Tấu, có nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Gạo, rau… đều phải huy động đi lấy từ dân bản. Trong điều kiện ngặt nghèo, vô cùng khó khăn, nhưng cụ và các đồng đội vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
“Khoảnh khắc chiến thắng, cảm xúc đầu tiên là vui, hạnh phúc vỡ òa. Và thấy mình may mắn vẫn còn sống. Vì lúc đó chiến tranh ác liệt lắm, không biết sống, chết lúc nào. Bên trên thì máy bay quần thảo, bên dưới thì biệt kích. Hôm nay khi thăm lại chiến trường xưa, cảm thấy hạnh phúc, vui sướng lắm. Cảm thấy mình như trẻ ra”, cụ Tạ Văn An xúc động.
Ngay khi chiến thắng, nhảy khỏi hầm nằm hít thở không khí trong lành
Cũng cùng chung niềm xúc động, ông Hoàng Quang Lộc sinh 1930. Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Lộc ở sư đoàn 316, sư đoàn bộ, chiến đấu ở phía Đông Điện Biên, đồi C1, C2, A1.
|
Cựu chiến binh Điện Biên Phủ Hoàng Quang Lộc (sinh 1930) xúc động nhớ lại kỷ niệm. Ảnh: Mai Loan. |
Nhớ lại ký ức Điện Biên Phủ, ông Lộc cho hay, lúc đó, ông cùng các đồng đội đào giao thông hào, sâu 1,7m, rộng 1,2m, rồi theo đó lên các đồi chiến đấu. Địch phát hiện ra, bắn xối xả như mưa.
Mỗi khi mưa xuống, giao thông hào ngập đến đầu gối. Lúc đó, bộ đội phải cắt ống quần để đi cho dễ. Cuộc sống rất gian khổ, chỗ nằm cũng chính là hàm ếch trú đạn. Trước khi nằm thì dùng que nứa, cạo bùn đất đi. Đúng như câu thơ của Tố Hữu “máu trộn bùn non”.
Một khó khăn nữa là lúc đó không có nước uống. Cơm ăn phần lớn là cơm nếp. Có lúc ăn cơm nếp với đậu xanh, có lúc được ăn với mắm. Điều kiện chiến đấu vô cùng gian khổ. Đặc biệt là mưa bom, bão đạn khốc liệt, nhiều đồng chí đã hy sinh.
Chính vì vậy, khi chiến thắng hạnh phúc vô cùng. “Khi chiến thắng, ngay trong chiều 7/5, chúng tôi nhảy tót lên giao thông hào. Sau bao nhiêu ngày tháng nằm dưới hầm, được nằm hít thở không khí trong lành, thật không gì sướng bằng. Chỗ chúng tôi nằm, mảnh đạn vãi như nắm ngô được tung ra vậy. Để thấy, cuộc chiến đấu ác liệt thế nào”, ông Lộc xúc động.
Chia sẻ về sức mạnh để ông và các đồng đội vượt lên khó khăn, giành chiến thắng, ông Lộc cho hay, lúc vào mặt trận, chỉ có khoảng cách giữa sống và chết, cho nên quyết tâm chiến đấu, dù khó khăn, dù phải hy sinh cũng phải chiến đấu, giành thắng lợi.
Mời quý độc giả xem video Cựu chiến binh Hoàng Văn Lộc xúc động chia sẻ ký ức về Điện Biên Phủ. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.