Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hững người trong cuộc có quan điểm như thế nào?
Dạy thêm là kiếm tiền bằng chất xám
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) viện dẫn tình trạng “mật phục bắt quả tang” dạy thêm, theo đại biểu, không nên cái gì không quản được thì cấm.
Theo đại biểu Long, cần đánh giá tác dụng của dạy thêm thế nào, vì nó xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. “Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm cũng một phần nhờ học thêm, chứng tỏ nó có tác dụng” – đại biểu Long nói và đặt câu hỏi, tại sao ngành y được làm thêm mà giáo dục lại không? “Dạy thêm xuất phát từ thực trạng lương của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như kế mưu sinh. Cần nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo” – đại biểu nói.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lý giải, trước đây Bộ có thông tư quy định việc dạy thêm, học thêm và đang đề nghị bổ sung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Như vậy nếu được thông qua thì giáo viên có thể giống như bác sĩ được hợp pháp mở phòng khám, làm thêm theo các quy định của nhà nước. Điều này đồng nghĩa với thu nhập của họ sẽ được tăng thêm, cuộc sống được cải thiện so với đồng lương sư phạm mà nhiều người đang đánh giá là thấp so với mức sống ở các thành phố lớn.
|
Nhiều ý kiến về việc cấm học, dạy thêm. Ảnh minh họa. |
Bình luận về vấn đề trên, cô H, giáo viên một trường học trên địa bàn Hà Nội thừa nhận, việc giáo viên dạy thêm hay đi làm thêm ở các trung tâm đều do thu nhập từ lương chính dạy trong trường khá thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, nhất là khu vực đô thị khi giá cả của mọi mặt hàng đều tăng cao, chi phí sinh hoạt lớn.
Theo cô H, việc học thêm cũng là nhu cầu của nhiều học sinh và phụ huynh với mong muốn củng cố, nâng cao kiến thức và ôn luyện ở trình độ cao hơn. Thực tế, nhiều phụ huynh và học sinh đang đăng ký tự nguyện học thêm qua các trung tâm được cấp phép của các cấp quản lý. Do đó, chúng ta không thể phủ nhận nhu cầu và hiệu quả của việc học, dạy thêm.
“Học, dạy thêm bị cấm cũng do một số ít giáo viên không thực hiện đúng các quy định của nhà nước. Nhiều thầy cô vẫn còn tư tưởng “ăn xổi” khi có tư duy đặt nặng việc dạy thêm là nguồn thu chính, thậm chí có trường hợp gây khó dễ cho học sinh ở trường để ép học sinh học thêm. Tình trạng này có nhưng đã hạn chế rất nhiều so với những năm trước. Về cơ bản hiện nay các giáo viên đều nghiêm túc thực hiện các quy định của nhà nước, của trường. Nếu có đăng ký dạy thêm ngoài giờ thì đều thông qua các trung tâm được cấp phép” – cô H nói.
Về đề xuất dạy thêm, học thêm được bổ sung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện như trao đổi của Bộ trưởng Sơn, cô H, đồng tình và cho biết: "Nhà nước nên tạo điều kiện cho những giáo viên có đủ điều kiện, đủ trình độ chuyên môn và có đạo đức nghề nghiệp được tổ chức dạy, học thêm thông qua các trung tâm hoặc cá nhân mỗi thầy cô tự tổ chức nếu đáp ứng đầy đủ các quy định của nhà nước. Việc này sẽ giúp giáo viên có thêm thu nhập chính đáng, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Dĩ nhiên, để không bị biến tướng việc dạy, học thêm thì các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý sẽ là đơn vị cấp phép, giám sát và hậu kiểm."
Thầy G, giáo viên THPT ở Phú Thọ bày tỏ ý kiến, khi xã hội có “cầu” thì giáo viên đáp ứng phần “cung” là hoàn toàn hợp lý. Dạy thêm cũng như rất nhiều nghề “tay trái” khác như buôn bán, làm vườn, giao hàng… là cách để kiếm thêm thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Sẽ không có gì đáng phải lên án đối với những giáo viên làm ra đồng tiền bằng chất xám, bằng mồ hôi và tâm huyết chân chính của mình. Tuy nhiên, điều cần gay gắt và quyết liệt phản đối chính là một bộ phận giáo viên biến việc dạy thêm thành “kinh doanh” và làm giàu bằng cách gợi ý, o ép đến cả việc dùng thủ đoạn để tranh giành học sinh, tăng sĩ số lớp… Dù vậy, cần phải có cái nhìn công tâm đối với đội ngũ nhà giáo, không thể đánh đồng tất cả mọi giáo viên dạy thêm là xấu, không thể quy chụp tất cả là tiêu cực."
Cần nhìn nhận đúng dạy thêm, học thêm
Từng chia sẻ quan điểm về vấn đề cấm dạy, học thêm trên Báo Giáo dục, Giáo sư Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định “Dạy thêm, học thêm bản chất không xấu cho nên việc đầu tiên chúng ta không ca ngợi nhưng cũng không nên kết án, không chụp mũ tất cả các loại hình học thêm dạy thêm như nhau".
Theo Giáo sư Phạm Hồng Tung, cái cần lên án, buộc phải triệt để chấm dứt, nếu ai vi phạm phải trừng phạt rất nặng đó là việc thầy cô, nhà trường nào đó bớt xén chương trình chính khóa, lúc dạy chính khóa không hết trách nhiệm để đem nội dung tinh túy, mang kiến thức thuộc về ở lớp học chính khóa về để dạy thêm, nhằm mục đích kiếm tiền tức, là thương mại hóa giáo dục.
Để rồi sinh ra chuyện nếu không thực hiện được mục đích thương mại hóa thông qua dạy thêm học thêm thì định kiến trù dập học sinh, áp đặt cha mẹ, học sinh không thích học thêm cũng phải học thêm. Thầy cô chỉ chăm chăm moi tiền thì không còn là thầy cô nữa.
Cô Th, Hiệu trường một trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, học thêm là một như cầu có thật, là nguyện vọng chính đáng của xã hội. Xuất phát từ chủ đích đầu tư toàn diện cho tương lai con trẻ, nhất là việc học nên nhiều gia đình sẵn sàng chi những khoản lớn để con em học thêm, không chỉ là theo kịp chương trình học ở trường mà còn muốn mở rộng, nâng cao kiến thức làm nền tảng vững chắc cho các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp cũng như chuẩn bị cho ngưỡng cửa đại học. Tuy nhiên, việc phụ huynh lạm dụng việc học thêm để chạy theo áp lực thành tích, để quản lý tối đa quỹ thời gian rảnh rỗi của con hay để làm vừa lòng chiều ý của giáo viên hòng đổi lại điểm số thì mới đáng lên án.
Chương trình học tập căng thẳng với khối lượng kiến thức - kĩ năng lớn và áp lực thi cử nặng nề cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc học sinh buộc phải tìm đến các lớp học thêm như là một giải pháp tình thế để “ôm” hết chương trình. Một thực tế khó thay đổi là không học thêm đồng nghĩa với tỷ lệ đậu vào các trường chuyên, đậu những trường đại học top đầu sẽ rất thấp. Bởi dù có học hết kiến thức trong SGK, làm thông thạo các bài tập ở sách bài tập nằm trong chương trình thì vẫn không thể đáp ứng được “chuẩn” khó trong các đề thi. Từ nhu cầu học thêm để mở rộng kiến thức, vô hình trung bị biến tướng thành cách học trước bài trên lớp và hệ lụy tất yếu là khả năng tự học của học sinh rất thấp. Một nền giáo dục vững bền phải dựa trên nền tảng tự học của học sinh. Nhưng nhìn vào hiện trạng ồ ạt học thêm từ khi chuẩn bị vào lớp 1 như hiện nay thì khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh có nguy cơ bị triệt tiêu vì các lớp học thêm đã làm thay nhiệm vụ ấy.
“Thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần có một quy định rõ ràng về việc học, dạy thêm của thầy cô và học sinh vì đây là nhu cầu thực tế. Không bởi vì số ít cá nhận hay những vụ việc tiêu cực mà đánh đồng cho việc dạy, học thêm là sai trái, là phản cảm. Đừng chỉ vì không quản được mà cấm vì như vậy sẽ làm cho giáo viên bị thiệt thòi và ngành giáo dục bị đi chậm lại, chứ chưa nói là tụt lùi” – vị hiệu trưởng nói.