Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải ban hành văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc tăng cường dán thẻ định danh để tham gia dịch vụ thu phí không dừng (ETC).
ETC và đăng kiểm...không liên quan đến nhau
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để quy định việc dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; báo cáo Bộ trước ngày 30/8/2022.
|
Đề xuất quy định xe ô tô phải dán thẻ ETC thì mới được đăng kiểm đang gây ra nhiều ý kiến không đồng thuận. |
Yêu cầu này của Bộ Giao thông Vận tải ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó, không ít ý kiến cho rằng, việc quy định theo hướng bắt buộc như Bộ GTVT đã đưa ra là không phù hợp, bởi sử dụng đường cao tốc, quốc lộ, có thu phí hay không là quyền và nhu cầu của mỗi người, nhiều phương tiện tham gia giao thông họ không có nhu cầu thì không thể dùng quy định để ép buộc.
Anh Phạm Đức Thắng (29 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) thắc mắc: “Dán thẻ thu phí không dừng và đăng kiểm là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Nếu tôi không có nhu cầu đi vào đường cao tốc thì tại sao phải dán? Ngược lại, nếu không được đăng kiểm thì xe của tôi sao có thể tham gia giao thông?".
Tương tự, anh Chu Mạnh Ninh, 33 tuổi (ở Sầm Sơn, Thanh Hóa) đề xuất: “Cơ quan chức năng cần phải xem xét kỹ trước khi thông qua. Còn nếu thông qua thì phải thực hiện đúng để không gây bức xúc cho xã hội”.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, một giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thừa nhận: “Không ít xe ô tô được mua chỉ phục vụ mục đích đi lại hay chở hàng, chở khách quanh khu vực địa phương, không có nhu cầu di chuyển sử dụng đường cao tốc, quốc lộ, có thu phí, thì việc bắt buộc họ phải dán thẻ ETC là không phù hợp?. Chưa kể, đăng kiểm là hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật thiết yếu, bắt buộc định kỳ, còn dán thẻ ETC chỉ là dịch vụ của nhà cung cấp, nếu không sử dụng đến sẽ tạo ra sự lãng phí, hai việc này hoàn toàn không liên quan đến nhau”.
|
Nhiều chủ phương tiện chủ động dán thẻ ETC. |
Luật sư Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng nhận định: Việc gắn đăng kiểm phương tiện làm điều kiện để dán thẻ ETC là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Nếu người ta có nhu cầu đi thì người ta phải tự động dán tem, chứ không thể dùng quyền lực Nhà nước để ép buộc vô lý. Đăng kiểm là một quan hệ pháp luật độc lập hoàn toàn với việc đi qua trạm thu phí, trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm là thực hiện việc đăng kiểm xe cơ giới, đảm bảo điều kiện an toàn cho người dân, chưa kể hiện nay phí dán thẻ ETC hiện nay là 120.000 đồng. Điều này sẽ gây bức xúc cho những người không có nhu cầu sử dụng dịch vụ ETC.
“Phải khẳng định, dán thẻ định danh để tham gia dịch vụ thu phí không dừng (ETC) là một chủ trương đúng của Chính phủ nhưng nếu không có sự phân định rõ ràng về mục đích sử dụng và nhu cầu sử dụng thực mà thay vào đó là việc ép buộc bằng các quy định pháp luật là thiếu phù hợp, chưa kể còn dẫn đến sự lãng phí không cần thiết”, Luật sư Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ quan điểm.
Chưa có hệ thống văn bản pháp luật quy định
Bộ GTVT cũng vừa ban hành Thông tư quy định về điều kiện đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông đường bộ, chưa bổ sung quy định dán thẻ thu phí tự động không dừng khi đăng kiểm.
Cụ thể, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ thực chất là xe tải chở hàng hoá được Chính phủ chấp thuận cho thí điểm hoạt động từ năm 2009 thay thế các loại xe công nông và xe 3 - 4 bánh tự chế và được lưu thông ở làn đường dành cho xe 2 - 3 bánh.
|
Việc gắn đăng kiểm phương tiện làm điều kiện để dán thẻ ETC là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. |
Từ ngày 1/1/2015, người điều khiển xe này phải có giấy phép lái xe B2 trở lên và xe phải đạt yêu cầu kỹ thuật qua đăng kiểm thì mới được cấp giấy chứng nhận lưu hành và dán tem lưu hành.
Theo quy định mới, xe tải chở hàng được đăng ký và cấp biển số tại địa phương nào thì thực hiện kiểm tra lưu hành tại Đơn vị đăng kiểm ở địa phương đó, khác với các phương tiện ô tô khác có thể đăng kiểm ở bất kỳ Trung tâm đăng kiểm nào trên cả nước.
Bộ GTVT cũng quy định trình tự, cách thức thực hiện khi kiểm tra lưu hành đối với loại xe này. Theo đó, chủ xe hoặc người đưa xe đến kiểm tra lưu hành đưa xe và các giấy tờ theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này đến đơn vị đăng kiểm để kiểm tra lưu hành.
Đáng chú ý, Thông tư mới này chưa quy định, các phương tiện bắt buộc phải dán thẻ thu phí tự động không dừng ETC khi đi đăng kiểm.
Về quy định bắt buộc phương tiện phải dán thẻ thu phí tự động không dừng khi đi đăng kiểm, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: "Hiện nay, chưa có quy định cụ thể bắt buộc phương tiện phải dán thẻ thu phí tự động không dừng khi đi đăng kiểm".
"Để thực hiện được việc này, cần xem xét nghiên cứu đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến của các đơn vị sau đó, Cục mới tổng hợp và đánh giá mới có thể trình Bộ GTVT", đại diện Cục Đăng kiểm cho hay.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Đề xuất lệ phí cấp giấy đăng kiểm ô tô 0 đồng: