Kỳ quái chuyện săn gà dị tật
Tiếp tục diễn biến trong sới gà chọi Quỳnh Thiện, những cuộc sát phạt quay cuồng và liên tục. Đá chừng một hiệp, hai kê thủ được chủ bắt ra lau chùi chân mình, cổ cánh và sục đờm. Một số con bị thương như rách mí mắt, rách da cổ sẽ được “sơ cứu” khâu may tại chỗ. Gà đưa vào đá không được ăn quá no, chỉ đút vài nhúm cơm vắt lại như đốt lóng tay là đủ.
|
Chủ gà chăm sóc “thần kê” sau một trận quyết chiến chí tử. |
Nhìn cách chăm sóc, sục đờm, cho ăn của mấy chủ gà, chúng tôi mới biết trong trò chơi đầy may rủi này, cũng cần sự tỉ mẩn, chuyên nghiệp không kém các trò chơi khác.
Lê Văn T. (40 tuổi, người Quỳnh Dị, Hoàng Mai) cho biết: “Chơi gà chọi không phải ai cũng chơi được mô. Phải xem gà như con, chăm chúng hơn cả đứa trẻ sơ sinh. Chú biết con gà này mấy tay đá độ ngoài Thanh Hóa trả anh bao nhiêu không? Năm chục triệu mà anh chưa bán đấy nhé”.
Không biết T. có “nổ” không, nhưng nhìn con “thần kê” này ai cũng thích. Mỏ to thẳng, miệng rộng, đầu mồng dâu, cổ to, dài, thẳng, lưng rộng, cánh dài, đùi to, chân thanh, ngón thắt. Nói chung theo dân trong giới gà chọi, đây là một con “thần kê” đạt chuẩn ngũ thường (5 bộ phận trên mình gà). Tuy nhiên theo T., cũng có trường hợp ngoại lệ là "dị kỳ tướng tất hữu kỳ tài" nghĩa là gà có dị tật nhưng lại có tài.
Nghỉ một hiệp chừng 10 phút, hai con gà chiến lại tiếp tục được đưa vào sới đấu. Gà đấu một là bỏ chạy, hai là đấu tới chết chứ không bao giờ có chuyện dừng lại giữa cuộc.
Ngồi bên cạnh tôi là một thanh niên tên G. (29 tuổi người xã Quỳnh Vinh, TX.Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An). G. kể như hét vào tai tôi là mấy ngày nay thua đậm quá, mất gần hai chục “chai” (20 triệu đồng-PV) nên sáng nay ghé sới sớm để tìm vận may, trả tiền vay nóng mấy tay “anh chị”.
“Chiều ni mà không có tiền trả, chắc bọn nó băm nhỏ tau luôn. Mi ngó xem, tình hình con Nổ hay con Tía thắng?”, G. hỏi mà khuôn mặt gã như mếu.
Dù đang mùa đông nhưng áo G. ướt đẫm, mặt mày mồ hôi nhễ nhại. Không phải dân chuyên nghiệp nhìn gà, sợ chỉ tầm bậy lại “ăn” đòn oan, nên tôi liền mách miếng với G.: “Mi tìm gặp thằng N. người Quỳnh Đôi, hắn chơi gà tinh lắm, độ nào hắn cũng thắng”.
G. nghe gật gật cái đầu rồi lại chúi mặt vào sới đấu hét: “Cố lên Nổ ơi. Mày hả Tía. Chết này, chết này”.
Không biết chiều nay, G. có kiếm được từng đó tiền để trả nợ hay lại tiếp tục “nướng” hết số tiền còn lại vào sới gà may rủi, để rồi bị bọn cho vay nặng lãi truy lùng suốt ngày đêm?
Xung quanh G., hàng chục con bạc khua tay, múa chân loạn xạ, miệng không ngớt hò hét, cổ vũ con gà mình đã “bắt” độ. Những tiếng trầm trồ khen ngợi, tiếng chửi thề, chửi tục vang lên không ngớt sau mỗi cú cước điêu luyện của cặp gà đòn được tuyển từ mảnh đất võ Bình Định.
Đang xem thì tôi được một thanh niên tên Đ. đứng bên cạnh thúc vào sườn hỏi: “Này, chú bắt với anh không? Hồ sau Tía chạy, 1 triệu – 2 triệu?”.
Ý của Đ. là trận sau, nếu con Tía bị con Nổ đá chạy khỏi sới đấu thì tôi sẽ phải trả độ cho Đ. 1 triệu đồng, còn ngược lại Tía không chạy thì tôi được 2 triệu đồng của Đ.. Thấy Đ. máu me lắm nhưng chúng tôi đành từ chối: “Em nhìn gà dở lắm. Chỉ theo bạn đi xem cho vui thôi”.
Không bắt độ được với chúng tôi, Đ. quay sang bắt với một người đàn ông tên H. chừng 60 tuổi ở Quỳnh Thiện. Lần này Đ. nâng giá độ lên 2 triệu đồng – 4 triệu đồng. Người đàn ông tên H. đồng ý. Hai bên đập tay cái “bẹt” rồi lấy giấy bút ghi tên người vừa bắt độ với mình.
Trận đấu càng về sau càng quyết liệt. Sới gà vào mùa đông nhưng có cảm giác nóng hầm hập, mặt mũi người nào cũng đỏ gay. Đã bước chân vào sới gà thì không ai biết trời đất bên ngoài đang mưa hay nắng, mặc kệ bố mẹ, vợ con gọi điện hay đến kêu về.
Hiệp sau kết thúc, con Tía mặc dù máu me đầy mặt, rách da cổ nhưng vẫn lỳ đòn, thà chết chứ không chạy. Người đàn ông tên H. nhảy cẫng lên cười khoái trá còn Đ. mếu máo móc 4 triệu đồng đưa cho ông ta.
|
Chuyện trả tiền thắng thua diễn ra một cách công khai. |
Là một tay chơi chuyên nghiệp, gần như xem trường gà là “nhà”, sới đấu là “giường”, Lê Văn D. người phường Quỳnh Xuân, TX.Hoàng Mai gần như ngày nào cũng có mặt tại đây. D. không sở hữu một con gà chọi nào nhưng cứ mỗi lần chủ gà đưa gà vào sới, D. lại bắt độ với hàng chục con bạc khác nhau. Khi thì vài trăm đến dăm trăm, khi thì vài triệu đến chục triệu đồng.
Người ta không biết D. làm nghề ngỗng gì nhưng nhìn vẻ bề ngoài “công tử” của D., ai cũng đoán hắn giàu có lắm. Giữa hiệp nghỉ, tôi tìm cách bắt chuyện với D.. Tuy nhiên, khi tiếp xúc, D. cho hay: “Giàu có cái chi, bọn nó nói láo đấy.
Từ ngày vào trường gà này, tau “nướng” cả trăm “chai” rồi. Vợ con suốt ngày chì chiết, nhí nhéo, tau cũng muốn bỏ lắm nhưng phải bắt vài trận nữa để kiếm lại. Thua nhiều thì nhục lắm”.
Bán xe, cắm nhà trả nợ
Đứng chừng 5 hiệp đấu, chúng tôi phải chui ra khỏi sới bởi mùi thuốc lá nồng nặc, tiếng chửi bới, xô đẩy đinh tai, nhức óc. Vừa ra đã bắt gặp vẻ mặt rũ rượi như đưa đám của N..
“Tau tưởng gà mình ngon, cược đấu hai hồ gà chúng nó phải bỏ chạy, ai dè gặp con mới tuyển về hay quá, mất mẹ nó 5 triệu bạc”, N. than vãn.
Tuy nhiên chừng 5 phút sau, N. lại hùng hổ xông vào sới để kiếm lại. Đúng là bài bạc như ma túy, càng “chơi” càng nghiện, khó mà rút chân ra được. Nói là “ăn” được nhiều độ, có “thần kê” nhưng nghe nói, N. nhiều lần phải bán xe, cắm nhà trả nợ, vợ con nheo nhóc, bữa no, bữa đói.
Trong một lần tâm sự với PV, ông Nguyễn Văn T. (50 tuổi, người xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu) – người chuyên cung cấp gà đá cho các tay chơi khắp TX.Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, có khi ra mãi ngoài Bắc thật thà cho hay: “Đi đá gà độ, được thì khao bạn bè ăn nhậu, hát hò, gái gú; mất thì im re không dám nói cho ai biết. Vậy nên cái trò này, suy cho cùng đều mất, chẳng có đứa nào được cả”.
Theo ông T., “trong xã này có mấy đứa theo đá gà độ bây giờ đều tán gia bại sản. Đứa cắm xe, đứa phải xin tiền cha mẹ chuộc, có đứa lại trộm tiền nhà đi đá. Tui nuôi gà đá là để chơi vui, đưa ra giải khuây mỗi khi Tết đến, xuân về nhưng họ đến mua mà không bán thì không được”.
Gia đình ông T. có truyền thống nuôi gà đòn từ lâu đời, các tay chơi thường tìm về đây để “tậu” gà chiến. Có anh chơi độ được còn mang tiền về biếu ông T., nhưng đó là trường hợp hiếm hoi, còn đa số là mất.
Khi ở trường gà chúng tôi đã chứng kiến do mất nhiều nên khi bị đối phương “dèm” gà mình quá, Đậu Phi S. (người phường Quỳnh Thiện, TX.Hoàng Mai) sinh ra cáu tiết. S. chửi vã, xô xát với một người trạc chừng 40 tuổi. May có mọi người can ngăn kịp thời nên hai bên đã dừng lại, trận đấu sau đó vẫn tiếp diễn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày nào S. cũng có mặt ở trường gà từ sáng cho tới tối. Mặc dù vợ con nhiều lần vào trường gà khóc lóc, năn nỉ y về nhưng cái máu “đỏ đen” vẫn không nhấc chân S. đi được. Có hôm đang thua đau, vợ lại đến nhì nhằng, S. điên tiết giáng cho mấy bạt tai rồi đuổi về. Nghe nói của cải trong nhà S. đều “không cánh mà bay”, giờ chỉ còn mảnh đất S. cũng định bán nốt.
Vợ con S. nheo nhóc, bữa no, bữa đói, may có đứa lớn theo thuyền đi đánh cá dưới Quỳnh Phương, lâu lâu lại gửi tiền về cho các em nộp học phí. Nhìn bộ dạng tiều tụy, bê tha bởi suốt ngày chui vào trường gà của S., chẳng ai dám tin đây là trụ cột của một gia đình.