Dân nhường đất làm cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chưa nhận đủ tiền đền bù

Google News

Tròn 5 năm cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đưa vào sử dụng toàn tuyến, nhưng tới nay một số hộ dân Đà Nẵng nhường đất cho dự án vẫn chưa nhận được hết tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Trước việc một số hộ dân nhường đất làm đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi tới nay vẫn chưa nhận được hết tiền đền bù giải phóng mặt bằng (hơn 36 tỷ đồng), Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng đã gửi kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị chỉ đạo giải quyết chi trả dứt điểm cho người dân.

Bộ GTVT cho biết, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, đoạn qua Đà Nẵng dài 8km. Cấu phần giải phóng mặt bằng, tái định cư do ngân sách nhà nước đảm bảo, chia làm 3 tiểu dự án độc lập do địa phương thực hiện. VEC có trách nhiệm phối hợp và đảm bảo đầy đủ kinh phí để địa phương chi trả kịp thời tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quyết toán kinh phí giải phóng mặt bằng vào quyết toán chung của dự án.

Dan nhuong dat lam cao toc Da Nang – Quang Ngai chua nhan du tien den bu

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã khai thác toàn tuyến được 5 năm, nhưng nhiều người dân huyện Hoà Vang vẫn chưa nhận đủ tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo báo cáo của VEC, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư đoạn cao tốc qua Đà Nẵng được địa phương phê duyệt hơn 559 tỷ đồng. Tới nay, VEC đã chuyển cho địa phương hơn 663 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án cao tốc, trong đó có 523 tỷ đồng bồi thường thu hồi đất và 140 tỷ đồng được VEC tạm ứng cho địa phương để xây dựng các khu tái định cư.

Theo thống kê của Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), còn hơn 36 tỷ đồng địa phương chưa được bố trí để chi trả bồi thường, hỗ trợ người dân trên địa bàn nhường đất cho dự án cao tốc.

Bộ GTVT cho rằng, tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân huyện Hoà Vang thiếu 36 tỷ đồng do địa phương chưa xét đến khoản tiền VEC đã tạm ứng để Đà Nẵng xây các khu tái định cư (khoảng 140 tỷ đồng). Theo quy định hiện hành, kinh phí tạm ứng trên phải được địa phương khấu trừ vào tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Trường hợp người dân phải di dời nhường đất cho dự án cao tốc, khi nhận nhà, đất ở khu tái định cư phải nộp tiền sử dụng đất, tiền mua hoặc thuê nhà. Tiền sử dụng đất, mua hoặc thuê nhà ở khu tái định cư của người dân được khấu trừ vào tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Trường hợp tiền sử dụng đất, mua hoặc thuê nhà ở khu tái định cư cao hơn tiền đền bù, người dân tái định cư phải thanh toán thêm phần chênh lệch cho nhà nước và ngược lại.

Do đó, Bộ GTVT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng có ý kiến với UBND Thành phố xem xét, sử dụng nguồn tiền thu được từ người dân nhận đất, nhà ở khu tái định cư dự án để chi trả hết tiền bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, Đà Nẵng cũng phải hoàn trả phần kinh phí VEC đã tạm ứng (phần tiền tạm ứng vượt tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã được địa phương phê duyệt).

Dù cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã đưa vào sử dụng được 5 năm, ngoài việc chưa xử lý xong tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, một số hạng mục thoát nước, đường gom, hoàn trả đường địa phương mượn phục vụ thi công cao tốc vẫn chưa hoàn thành.

Bên cạnh đó, do xảy ra một số sai phạm, nhiều lãnh đạo, cán bộ của VEC đã bị khởi tố hình sự, đưa ra xét xử giai đoạn 1, riêng phiên toàn sơ thẩm giai đoạn 2 đang tạm hoãn.

Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 139km, đã thông xe toàn tuyến từ tháng 9/2018, với tổng chi phí đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, do VEC đầu tư khai thác. Mức phí là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn (xe dưới 12 chỗ ngồi), thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 24 năm.
   
Theo Phạm Thanh/ Tiền phong

>> xem thêm

Bình luận(0)