Làng Yên Trường (xã Trường Yên huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 30km, nơi đây không chỉ được biết đến là một làng nghề cổ xưa với nhiều nghề thủ công truyền thống như mây tre đan, dệt may, nghề mộc... nơi đây còn nổi tiếng bởi phong tục lạ lùng là cứ vào ngày mùng 4 Tết cả làng đều tổ chức bữa cơm thân mật đầu năm hoàn toàn bằng thịt chó.
|
Làng Yên Trường (xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội).
|
Chỉ trừ một vài trường hợp ăn kiêng, còn lại các món ăn trong mâm cỗ đều được chế biến từ thịt chó, coi món ăn nhiều chất này như món ăn “cao lương, mĩ vị” của làng.
Thông tin làm cả làng xôn xao
Tháng 8/2018, UBND TP Hà Nội đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo.
Chính quyền Thủ đô cho rằng, việc kinh doanh, giết mổ và ăn thịt chó, mèo gây ra hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại.
Đồng thời, thành phố mong muốn người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, nghiên cứu tiến tới cấm buôn bán thịt chó ở các quận nội thành vào năm 2021.
|
Ảnh minh họa. |
Khi biết thông tin này nhiều người dân tại làng Yên Trường không khỏi bất ngờ và tỏ ra không đồng tình và cho rằng việc ăn thịt chó là sở thích của mỗi người. Việc Hà Nội tuyên truyền người dân không ăn thịt chó vì không văn minh, gây phản cảm là không hợp lý.
Ông Minh ở làng Yên Trường cho biết: “Tôi mới nghe tin này, tôi hơi ngỡ ngàng vì ở đâu thì tôi không biết chứ ở đây việc ăn thịt chó là hết sức bình thường và chẳng có gì là xấu cả. Ở làng chúng tôi không chỉ ăn thịt chó vào ngày thường mà gần như là tục khi cứ vào mùng 4 Tết thì cả làng ăn thịt chó”.
Ông Minh cho biết thêm, trong làng ăn thịt chó quanh năm, riêng ngày mùng 4 Tết có hàng tấn thịt chó được tiêu thụ trong một ngày.
“Trong xã có gần 12.000 dân, riêng thôn Yên Trường có khoảng 7.000 người, trung bình mỗi mâm cơm sử dụng khoảng 3 – 3,5 kg chó móc hàm. Như vậy, toàn xã tiêu thụ hết khoảng 3 tấn chó chỉ trong ngày mùng 4 Tết”.
Trong khi đó, theo một số chủ quán thịt chó trong làng cho biết mấy ngày qua vẫn hoạt động bình thường nhưng hơi vãn khách sau khi nghe tin trên.
“Ở đây năm nào cứ vào ngày mùng 4 Tết là nhà nào cũng tổ chức ăn thịt chó. Vào dịp này cửa hàng của tôi tiêu thụ được khoảng 5 tạ chó, có quán còn nhiều hơn. Chúng tôi bán quanh năm, người dân vẫn ăn như 1 món thịt thường ngày không ai chê, chỉ có 1 vài người kiêng do bệnh. Từ khi rộ lên tin sắp cấm buôn bán giết mổ thịt chó tôi thấy lượng khách ghé quán giảm đi rõ rệt nhưng tôi tin đó chỉ là đề xuất chứ người dân nơi đây coi món này như thứ không thể thiếu trong thực đơn ngày Tết của mình rồi, bỏ không được đâu! ”, một chủ quán trong làng chia sẻ.
Cấm là áp đặt, học đòi theo nước ngoài
Ông Long cùng nhiều người làng Yên Trường cho rằng: “Việc ăn thịt chó hay không là một sở thích, mỗi người có một tính cách, sở thích riêng, con vật chủ yếu là để phục vụ nhu cầu cuộc sống của con người chứ không có gì ảnh hưởng đến hình ảnh văn minh của Thủ đô”.
“Ai yêu quý chó thì cứ nuôi như thú cưng, ai ăn thì mua hay tự nuôi để ăn chứ không có chuyện đi bắt trộm chó về bán hay ăn như việc thiếu văn minh như thế cả”, ông Long chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, ông Trường chia sẻ: “Chó là một con vật phục vụ nhu cầu cho cuộc sống, thậm chí là một món ăn khoái khẩu chứ không có gì phản cảm. Mỗi nước, mỗi vùng miền đều có những nét văn hóa riêng. Không thể học đòi, áp đặt văn hóa của những quốc gia khác vào văn hóa của người Việt Nam. Việc này nói không văn minh là không đúng, cần xem xét rất kĩ lưỡng chứ không thể thích là cấm ngay được. Món ăn này rất bình thường của người dân Việt Nam và đã có từ rất lâu, không chỉ riêng Việt Nam, các nước như Hàn Quốc hay Trung Quốc... cũng là những quốc gia phát triển và rất văn minh nhưng họ cũng vẫn ăn thịt chó và có cả lễ hội thịt chó đó thôi!”.