Trong một tuần đầu thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân trên cả nước đã thực hiện rất tốt các yêu cầu về cách ly xã hội. Việc này đã mang lại những tín hiệu tích cực khi những ngày gần đâu, số ca nhiễm mới ít, số ca ra viện tăng cao.
Tuy nhiên, khi nguy cơ lây nhiễm vẫn còn cao, tại nhiều địa phương mấy ngày gần đây đã xuất hiện tình trạng, nhiều người dân tỏ ra chủ quan, thậm chí phớt lờ, không tuân thủ các yêu cầu về cách ly xã hội.
Xuất hiện dày đặc trong các bản tin trên báo chí ngày 9/4, là những hình ảnh người dân Hà Nội kéo ra đường đông đúc, nhộn nhịp như thời điểm chưa cách ly xã hội, thậm chí nhiều tuyến phố xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Chắc chắn trong số người kéo ra đường ấy, có nhiều người thuộc trường hợp không cần thiết phải ra đường.
Người dân Hà Nội vô tư tập thể dục tại công viên, đường phố, tụ tập đông người…trên vỉa hè, nơi công cộng, thậm chí nhiều người ra đường còn quên đeo khẩu trang phòng dịch. Không ít hàng quán đã hoạt động trở lại dù không phải là những mặt hàng thiết yếu được phép kinh doanh trong thời điểm cách ly xã hội.
|
Lưu lượng người tham gia giao thông lớn tại nút giao Tây Sơn - Thái Thịnh (Hà Nội) trong ngày 9/4. Ảnh: Báo Hà Nội Mới. |
Nhìn những hình ảnh ấy, không ai nghĩ Hà Nội đang trong thời gian cách ly xã hội dù mới đây từ ngày 4/4, TP Hà Nội tiến hành xử phạt những trường hợp ra đường khi không cần thiết.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội chiều 8/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói rằng, hiện đang có hiện tượng người dân ra đường và đi tập thể dục đông hơn "phá vỡ những chỉ đạo". Đồng thời đưa ra cảnh báo: “Nếu như vậy, rất dễ rơi vào trường hợp như của Singapore, đến nay họ phải thiết quân luật".
Không chỉ tại Hà Nội, mà tại TP HCM cũng xuất hiện tình trạng người dân chủ quan không thực hiện nghiêm các yêu cầu cách ly xã hội. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM chiều 9/4, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cũng thẳng thắn chỉ ra hiện tượng xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan trong dân.
“Tâm lý lơ là, chủ quan phòng chống dịch thể hiện rõ qua hình ảnh người dân ra đường đông trở lại được các báo mạng đăng nhiều ngày qua, gây khó cho công tác chống dịch của thành phố. Hiện hơn 2,5 triệu học sinh không đi học, phương tiện công cộng không chạy, vậy ra đường là công chức các sở, ngành; công nhân các công ty, cơ sở sản xuất và người dân. Do vậy, số người dân ra đường tăng trở lại với lý do không hợp lý, không cần thiết, không đảm bảo khoảng cách 2m”, ông Lê Thanh Liêm nói.
Tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, tình trạng người dân chủ quan, lơ là phòng chống dịch cũng xảy ra rất nhiều. Con số người bị xử phạt do không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, thậm chí chống người thi hành công vụ tại các chốt kiểm soát liên tục gia tăng những ngày qua là minh chứng rõ ràng nhất.
Sự chủ quan của người dân là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn sự bùng phát dịch bệnh trở lại. Bởi thực tế, chúng ta đã có những kết quả đáng mừng, đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh thể hiện qua số ca nhiễm mới những ngày qua không nhiều. Tuy nhiên, dịch bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Bài học về sự chủ quan tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến họ phải chịu sự bùng phát của dịch bệnh giai đoạn 2 vẫn còn đó.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn 3 với chiến lược phòng chống là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị, tích cực điều trị, hạn chế tử vong. Do vậy, biện pháp quan trọng là kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng.
Mới đây, trao đổi với báo chí, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1, TP.HCM cho rằng, hiện nay Việt Nam bước sang giai đoạn khác, ca bệnh ít hơn nhưng cấp độ nguy hiểm cộng đồng cao hơn.
Bác sĩ Khanh cho rằng, đang trong giai đoạn cách ly xã hội nhưng nhiều người đã vội mừng vì mỗi ngày chỉ thêm 1, 2 bệnh nhân là không đúng.
"Trước đây mỗi ngày cả nước có 8,9 ca cũng không đáng sợ bằng 1,2 ca của giai đoạn này vì tuy số người mắc ít nhưng đều là các trường hợp ở trong cộng đồng rất lâu. 10 ca được phát hiện ở khu cách ly không đáng sợ bằng 1,2 ca ngoài cộng đồng”, bác sĩ Khanh nói và cho rằng, không nên thấy số ca ghi nhận hàng ngày giảm mà vội "buông" cách ly.
Cách ly xã hội được coi là giải pháp căn cơ, quan trọng như lời Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ. Nếu làm tốt cách ly xã hội thì sẽ ngăn được dịch COVID-19 lan ra cộng đồng và lây chéo, cách ly có thể phát hiện mầm mống của ổ dịch, phát hiện ca nhiễm mới sẽ xử lý và khoanh vùng luôn.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ chiều 6/4, Thủ tướng nhấn mạnh, phải ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, bằng cách làm nghiêm cách ly xã hội. “Nếu chúng ta ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch, không có thiệt hại về người và sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nói.
Những thông tin trên cho thấy, thời điểm này, việc người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, xem nhẹ các yêu cầu thực hiện cách ly xã hội là rất nguy hiểm.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 9/4, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lý nghiêm người không thực hiện cách ly toàn xã hội.
Thủ tướng nói rằng, chúng ta đã làm tốt, đạt kết quả đáng mừng, tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm còn lớn, không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu mọi người dân phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, ai không thực hiện thì xử phạt nghiêm, phê phán cá nhân, tập thể vi phạm. Không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch COVID-19 như tình trạng một số nước vấp phải, “kết quả từ các bản tin hằng ngày là mừng nhưng nỗi lo vẫn còn đó”.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta kiên định nguyên tắc từ đầu là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả, trong từng thời điểm, có thể thay đổi chiến thuật, ứng phó theo giai đoạn nhưng kiên định về chiến lược trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Điều quan trọng của chiến lược phòng chống là áp dụng đúng thời điểm, tăng dần mức độ, vì vậy đạt được thành công ban đầu quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần chấn chỉnh, thực hiện nghiêm biện pháp cách ly xã hội với biện pháp mạnh nhưng không "quá tả" trong thực hiện, không "quá hữu" dẫn đến buông xuôi, trong đó bảo đảm lưu thông hàng hóa, nhưng kiểm soát chặt chẽ con người.
Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lý nghiêm những người không thực hiện cách ly toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường…
Chỉ đạo trên của Thủ tướng là cần thiết trong thời điểm người dân đã xuất hiện tình trạng chủ quan. Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, lực lượng chức năng các địa phương cũng cần phải xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo cách ly xã hội được hiệu quả.
>>> Mời độc giả xem video Phòng chống dịch virus corona ngay từ khu dân cư