Thời gian gần đây, thông tin UBND TP. Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của nhà máy sông Đuống (thuộc Công ty CP nước mặt sông Đuống) lên đến 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm đang thu hút sự quan tâm của dư luận khi mức giá trên gấp đô giá nước của Công ty CP nước sạch sông Đà.
Đáng chú ý, mới đây ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. “Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước”, ông Hà nói thêm.
Trong một diễn biến khác, trên trang facebook cá nhân, Shark Liên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước mặt Sông Đuống chia sẻ bức ảnh chân dung bà kèm thông điệp được gắn trên ảnh: “Tôi đầu tư không cần lợi nhuận. Nếu có tôi cũng sẽ làm thiện nguyện”. Đây cũng là quan điểm đầu tư của "cá mập" này trong hầu hết các dự án khởi nghiệp, gọi vốn.
Từ việc Shark Liên tuyên bố “đầu tư không cần lợi nhuận, dư luận đặt câu hỏi, sao nữ doanh nhân này lại “ép” dân phải chịu tiền lãi vay 2.003 đồng để tính vào giá nước thành 10.246 đồng/m3?
|
Shark Liên. |
Liên quan những thông tin trên PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.
- Vừa qua việc Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của nhà máy sông Đuống (thuộc Công ty CP nước mặt sông Đuống) lên đến 10.246 đồng/m3, trong đó có 2.003 đồng tiền lãi suất, dư luận cho là mức giá này dù là tạm tính nhưng cũng bất hợp lý khi dân phải trả tiền lãi cho doanh nghiệp, ông nghĩ sao về việc này?
- Việc UBND TP Hà Nội công bố chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của nhà máy sông Đuống (thuộc Công ty nước sạch sông Đuống – một doanh nghiệp tư nhân) là 10.246 đồng/m3, gấp hai lần giá nước của nhà máy nước sạch sông Đà và có lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm, tôi cho đây là mức giá khá cao.
Dù biết rằng, doanh nghiệp đầu tư tất nhiên họ phải tính lời lãi và có lợi nhuận. Việc Công ty CP nước mặt sông Đuống đầu tư nhà máy lên đến gần 5000 tỷ đồng nhưng không đủ vốn, họ phải đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. Tất nhiên họ sẽ cộng tất cả chi phí vào giá thành sản phẩm để có lãi.
Tuy nhiên, theo tôi, cần làm rõ mức giá đó dù là tạm tính nhưng thu trong bao nhiêu năm, bao giờ mới giảm giá. Bởi như các dự án BOT họ thu phải có thời gian bao nhiêu năm và họ sẽ trả lại cho nhà nước. Nhưng Nhà máy nước mặt sông Đuống không phải là dự án BOT mà là dự án của doanh nghiệp nên không có thời gian thu mức phí cụ thể trên là bao nhiêu năm, nếu cứ thu mãi mức giá trên thì không thể chấp nhận được.
|
Dự án nước mặt sông Đuống. |
- Shark Liên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước mặt Sông Đuống từng tuyên bố “Tôi đầu tư không cần lợi nhuận”, tuy nhiên lại tính tiền lãi vay vào giá nước mà cuối cùng người dân phải chịu để doanh nghiệp có lãi như lời bà Liên nói khi trả lời báo chí “Hà Nội định ra giá tạm tính 10.246 đồng thì chúng tôi có lợi nhuận chứ không phải không có, nhưng lợi nhuận vừa đủ để chúng tôi cảm thấy vui vẻ”, ông đánh giá sao về việc này?
- Tôi không thể tin được nếu Shark Liên nói “đầu tư không cần lợi nhuận”. Bởi không có một doanh nghiệp nào đầu tư không có lợi nhuận. Họ ăn gì, không lẽ họ chỉ uống nước lã để sống. Đầu tư không có lợi nhuận thì không đúng vì doanh nghiệp đâu phải làm từ thiện. Bà Liên này có phải tích tụ công đức hay không? Bà Liên bỏ tiền thành lập doanh nghiệp, vay lãi để thực hiện dự án để làm gì mà bà nói là đầu tư không cần lợi nhuận.
Theo đúng quy luật thị trường, kinh doanh là phải có lợi nhuận, song lợi nhuận trong trường hợp này phải ở mức phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo lợi ích của nhà nước và người dân chứ không thể chấp nhận doanh nghiệp có lợi ích lớn; trong khi nhà nước và người dân thiệt thòi.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
- Theo đại biểu, việc UBND TP Hà Nội phê duyệt mức giá nói trên có hợp lý không?
- Tôi nghĩ đây là vấn đề cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm. Mức giá bao nhiêu thì cũng phải hợp lý, có sự phê duyệt của cơ quan tài chính. Làm ăn phải có lợi nhuận nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và khách hàng.
Để minh bạch về sự việc trên trả lời với công luận và người dân người ta chấp nhận được, người ta không phải lăn tăn, đơn vị kiểm toán phải vào cuộc giống như kiểm toán BOT vậy. Cần thanh tra, kiểm toán xem mức giá thực tế như thế nào, có như vậy hay không. Nếu có vấn đề khuất tất hay mức giá không phù hợp thì cần phải kiến nghị xử lý.
>>> Mời độc giả xem clip Công ty Nước mặt Sông Đuống có được ưu đãi?