Trước đó, mạng xã hội xôn xao trước thông tin một nam thanh niên tử vong khi đang di chuyển trên đoạn đường Vành đai 3,5 nút giao DDT 422B (gần cầu Hậu Ái, đoạn giáp ranh giữa xã Di Trạch và Vân Canh).
Ngày 30/9, xác nhận với Dân Việt, ông Nguyễn Thế Minh - Chủ tịch UBND xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) cho biết, trường hợp xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến tử vong là người ở địa phương khác, khi tham gia giao thông không kịp xử lý với các tình huống trên đoạn đường đang thi công.
"Khoảng 23h ngày 29/9, địa phương nhận được thông tin tại khu vực cầu Hậu Ái có tai nạn giao thông. Nạn nhân là anh N.V.P (SN 1999, tại Nghệ An). Lực lượng chức năng đưa anh P đi cấp cứu nhưng xác định nạn nhân đã tử vong tại chỗ", ông Minh nói.
Vị lãnh đạo ủy ban cho biết thêm, đoạn đường đang thi công trên xảy ra thường xuyên xảy ra tai nạn, chính quyền đã báo cáo cấp huyện và yêu cầu đơn vị liên quan có phương án xử lý nắp hố ga, bổ sung hệ thống biển cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, nhưng nhiều vụ việc tai nạn vẫn xảy ra.
Được biết, khu vực xảy ra vụ việc thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 (đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức (Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Chiều 1/10, lãnh đạo Ban quản lý Dự án ĐTXD huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, đường đang thi công, cấm người dân lưu thông.
"Chúng tôi đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến đảm bảo an toàn khu vực này, nhưng người dân vẫn đi vào khu vực công trường", vị lãnh đạo nói.
Người này khẳng định, khu vực Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 có chăng dây và biển cảnh báo.
Hình ảnh khu vực công trường thi công ngổn ngang, cống hộp được dựng ở ngay đầu đường.
Theo ghi nhận của phóng viên, hệ thống trục đường tỉnh lộ 422B lưu lượng phương tiện di chuyển đông đúc nhất là các giờ cao điểm nên người dân đã đi vào các lối mở tự phát dẫn vào khu vực công trường dẫn đến nguy cơ mất an toàn.
Thông tin thêm với PV, anh Xuân Cương (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) cho biết, khu này cần phải có hệ thống biển cảnh báo và dây phản quang để người dân biết còn tránh.
Hình ảnh người dân tự mở lối đi trong dự án.
"Nhiều vụ việc tai nạn xảy ra ở đây rồi. Người dân nếu không thuộc địa bàn ở đây thì cũng rất dễ ngã", ông Cương nói.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 (đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32) khởi công từ năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng sau hơn 10 tháng. Tuy nhiên đến nay sau 7 năm thi công, các hạng mục vẫn còn ngổn ngang.