Đám cưới đốt pháo đỏ đường Hà Nội: Khởi tố vụ án tội gây rối có đúng?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Cơ quan CSĐT, Công an huyện Sóc Sơn đã có đủ căn cứ để quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”, điều tra vụ các đối tượng đốt pháo trong đám cưới tại xã Phù Lỗ là có căn cứ.

Liên quan vụ đám cưới đốt pháo đỏ đường Hà Nội, chiều 4/3, đại tá Lê Ngọc Ly, Trưởng Công an huyện Sóc Sơn cho biết, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Sóc Sơn đã có đủ căn cứ để quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”, điều tra vụ các đối tượng đốt pháo trong đám cưới tại xã Phù Lỗ.
Đồng thời, Công an huyện Sóc Sơn đã thực hiện quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Trần Văn Khang (SN 1979, trú tại khối 12, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) để điều tra về hành vi 'Gây rối trật tự công cộng'".
Đại tá Lê Ngọc Ly thông tin thêm, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Sóc Sơn và các đơn vị nghiệp vụ CATP Hà Nội đã làm rõ vai trò của một số đối tượng liên quan đến vụ đốt pháo đám cưới trên và đang phối hợp với các đơn vị chức năng của CATP Hà Nội khẩn trương triển khai các mũi điều tra, làm rõ và thi hành lệnh bắt giữ các đối tượng liên quan khác trong vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Dam cuoi dot phao do duong Ha Noi: Khoi to vu an toi gay roi co dung?
 Đối tượng Trần Văn Khang bị tạm giữ hình sự vì đốt pháo trong đám cưới tại Sóc Sơn.
Trước đó, ngay khi tiếp nhận thông tin về việc có một gia đình ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn đốt số lượng lớn pháo gây những tiếng nổ trong thời gian dài, xác pháo đỏ cả góc đường, Công an xã Phù Lỗ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an huyện Sóc Sơn đã xuống hiện trường, lập biên bản sự việc. Ngày 3/3, Công an huyện Sóc Sơn phối hợp với Phòng Quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an TP Hà Nội tiếp tục các hoạt động điều tra nguồn gốc số pháo, ai là người tổ chức đốt pháo và các vấn đề liên quan đến vụ việc.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc Cơ quan CSĐT, Công an huyện Sóc Sơn đã có đủ căn cứ để quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”, điều tra vụ các đối tượng đốt pháo trong đám cưới tại xã Phù Lỗ là có căn cứ.
Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, đối với người đốt pháo, nếu không phải là người trực tiếp mua bán pháo nổ trái phép nhưng việc đốt pháo xảy ra nơi công cộng thì đây là hành vi gây rối trật tự công cộng.
Nếu hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường, thách thức pháp luật thì có thể xem xét xử lý hình sự theo Điều 318 Bộ Luật hình sự 2015 về tội gây rối trật tự công cộng.
Cụ thể: 1, Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm.”
Trong vụ việc nêu trên việc đốt số lượng pháo lớn như vậy làm nhiều người hoang mang, lo lắng, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hành vi này cũng thể hiện thể hiện thái độ coi thường pháp luật. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ số lượng pháo đã đốt, đã mua bán, làm rõ hành vi của người đốt pháo.
Như vậy, đối với người đốt pháo nơi công cộng thì sẽ bị xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Nếu mức độ nghiêm trọng thì sẽ xử lý hình sự, nếu hậu quả được xác định chưa đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 167/2013/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ hành vi mua bán trái phép số lượng pháo nêu trên. Nếu có căn cứ xác định pháo có số lượng từ 10kg trở lên thì sẽ xử lý hình sự người mua bán về tội mua bán hàng cấm.
Hành vi buôn bán pháo nổ chính là buôn bán hàng cấm, nếu số lượng đủ 10kg thì Người vi phạm sẽ bị cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm được quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 2015.
Theo Điểm b và Điểm d, Phần 1 Mục III của Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo quy định, người nào mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán trong nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm.
Nếu mua bán trái phép pháo nổ qua biên giới còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu.
Người có hành vi vi phạm sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vật phạm pháp (pháo nổ) có số lượng từ 10kg trở lên hoặc dưới 10kg nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Số lượng pháo nổ từ 10kg đến dưới 50kg (được coi là số lượng lớn); Số lượng pháo nổ từ 50kg đến dưới 150kg (được coi là số lượng rất lớn) Số lượng pháo nổ từ 150kg trở lên (được coi là số lượng đặc biệt lớn).
Dam cuoi dot phao do duong Ha Noi: Khoi to vu an toi gay roi co dung?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, hiện nay, việc sử dụng pháo tại các đám cưới diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng lường trước được những nguy hiểm từ việc đốt pháo cũng như nắm rõ được các quy định pháp luật về việc đốt pháo.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP, quy định các loại pháo sau đây được phép sử dụng, bao gồm: Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng cho phép; Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa; Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.
Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.
Như vậy, ngoài các loại pháo theo quy định nêu trên thì tất cả những hành vi quản lý, sử dụng pháo khác đều là vi phạm quy định pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video Điều tra vụ pháo nổ đỏ đường trong đám cưới ở Hà Nội:

Truyền hình Thông tấn.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)