Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới đã được phát động từ lâu và trở thành phong trào lan tỏa trong cộng đồng dân cư tại nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những đám cưới linh đình gây lãng phí tốn kém, đáng buồn những người có chức có quyền, có vị trí xã hội lại nằm trong số đó.
Mới đây, việc gia đình bà Hồ Thị Cẩm Đào - Trưởng Ban dân vận tỉnh ủy, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tổ chức đám cưới cho con trai hoành tráng, rình rang là một câu chuyện điển hình như vậy.
Chuyện tổ chức đám cưới vốn là chuyện vui trở lên ầm ĩ từ khắp các mặt báo đến mạng xã hội. Nguyên nhân do đám cưới được gia chủ tổ chức quá rình rang hoành tráng khi diễn ra trong 3 ngày với 4 tiệc cưới.
|
Dàn xe biển xanh "dự" đám cưới con Trưởng đoàn ĐBQH Sóc Trăng. |
Bốn bữa tiệc được tổ chức suốt 3 ngày được báo chí thống kê cho thấy, bữa thứ nhất gồm 50 mâm được tổ chức tại tư gia trong sáng ngày đầu tiên diễn ra đám cưới. Bữa thứ 2 diễn ra vào chiều cùng ngày được gọi tên là tiệc "tiền nhóm họ" dành riêng cho cán bộ chủ chốt của tỉnh Sóc Trăng. Sự hoành tráng tiếp tục diễn ra ở bữa tiệc “nhóm họ” được tổ chức ngay ngày hôm sau. Ngày chính thức diễn ra hôn lễ, gia chủ tiếp tục tổ chức đãi tiệc với 40 mâm khoảng trên 400 khách mời và chiều cùng ngày, bữa tiệc cuối được tổ chức với 80 bàn tiệc khoảng 800 khách mời tại nhà hàng tiệc cưới lớn nhất Sóc Trăng.
Gia chủ rình rang tổ chức tiệc cưới đã đành, đến quan khách đến dự tiệc cưới bằng những chiếc xe biển xanh mới là điều thu hút sự chú ý từ dư luận. Bởi chỉ cách đó ít ngày, Chính phủ mới ban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định, sử dụng ô tô công vào mục đích cá nhân bị phạt tới 20 triệu đồng. Trước đó, không ít lần lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính - cơ quan được giao quản lý công sản đã có nhiều chỉ đạo, công văn yêu cầu chấn chỉnh, nhắc nhở không được dùng xe công sai mục đích. Thế nhưng, bất chấp các chỉ đạo, tình trạng này vẫn cứ tái diễn mà điển hình là việc không ít những tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm trong việc sử dụng xe công đi dự đám cưới con trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.
Theo thống kê của báo chí, những xe biển xanh vô tư chở khách đến dự tiệc cưới con trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng gồm xe 71B-0748 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, 94B-002.27 của Bạc Liêu, 65E-68-68 của TP Cần Thơ, 66A-0637 của Đồng Tháp... và nhiều xe biển xanh của tỉnh Sóc Trăng chở cán bộ đến dự đám cưới như xe 83D-0501 (UBND huyện Châu Thành), 83D-0366 (Đảng ủy dân chính Đảng), 83D-0440 (Huyện ủy Châu Thành)…
Đám cưới diễn ra nhiều ngày, tiệc tùng rình rang, xe biển xanh tấp nập, lượng khách "Vip" đông đúc đến dự khiến đám cưới con trai bà Hồ Thị Cẩm Đào - Trưởng Ban dân vận tỉnh ủy, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng được ví như đám cưới hoành tráng nhất tỉnh Sóc Trăng từ trước đến nay.
Ai cũng biết cưới xin là việc trọng đại của đời người, bậc làm cha mẹ ai cũng muốn tổ chức đám cưới cho con cái một cách đàng hoàng, trang trọng. Bên cạnh đó, cưới xin cũng là một hình thức để phản ánh mức sống, sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, thậm chí còn thể hiện vị thế xã hội, tiềm lực kinh tế của người tổ chức đám cưới.
Tuy nhiên, giá trị tốt đẹp nhất của một lễ cưới là hạnh phúc bền lâu của đôi vợ chồng trẻ chứ không nằm ở sự xa hoa của tiệc cưới và không nên quá đặt nặng về hình thức rườm rà, phô trương, ăn uống linh đình, nhiều ngày, nhiều nơi, mời nhiều khách dẫn đến sự phản cảm.
Nhất là với cương vị Trưởng Ban dân vận tỉnh ủy, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, việc tổ chức đám cưới rình rang, phô trương trong bối cảnh Sóc Trăng vẫn là tỉnh nghèo và vẫn còn hàng chục nghìn hộ nghèo đã nới rộng khoảng cách giữa cán bộ với nhân dân, giữa giàu có và nghèo khó. Khiến người dân thêm hụt hẫng, mất niềm tin vào một bộ phận cán bộ xa rời cuộc sống nhân dân đến vậy.
Thậm chí, khiến dư luận đặt câu hỏi: Đám cưới rình rang của con trai bà đại biểu Quốc hội vì sao lại hoành tráng cỡ vậy? Vì con cái hay vì bậc sinh thành?
Lẽ ra với trách nhiệm một Trưởng Ban dân vận tỉnh ủy, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, bà Hồ Thị Cẩm Đào nên tuân thủ và nêu gương thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới xin. Lẽ ra nên tiên phong, gương mẫu tổ chức lễ cưới cho con trái trên tinh thần văn minh, tiết kiệm..., không hình thức phô trương, lãng phí, mang tính vụ lợi trong lễ cưới... để tuyên truyền vận động, thức tỉnh cộng đồng cùng nhân rộng phong trào nếp sống văn minh trong việc cưới xin.
Lẽ ra bà Hồ Thị Cẩm Đào nên là tấm gương sáng tuân thủ quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành, đặc biệt là quy định về việc chống các biểu hiện “Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí”.
Và lẽ ra, bà Hồ Thị Cẩm Đào cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Trong đó, nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Đồng thời, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, vùng, miền, dân tộc; xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức cưới hỏi, tang lễ văn minh, tiết kiệm. Các gia đình đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện, gắn với việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống.
Tiếc rằng, dù là người nắm giữ vị trí trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, nhưng với việc tổ chức đám cưới rình rang, phô trương, bà Hồ Thị Cẩm Đào đã trở thành ví dụ điển hình của cán bộ xa rời quần chúng nhân dân để thể hiện mình là người có chức có quyền, có vị thế trong xã hội.
Mới đây, khi lên tiếng về vụ việc trên, bà Hồ Thị Cẩm Đào nói rằng, để xảy ra vụ việc như vậy, bản thân bà rất áy náy, sẽ rút kinh nghiệm. Đồng thời, giải thích do lần đầu tiên cưới dâu cho con, vô tình tổ chức chứ không có ý gì. Do công tác lâu năm, có những quan hệ thân tình, anh em quý mến nên ghé chúc mừng.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cũng nói rằng trong những ngày diễn ra đám cưới con bà, anh em các tỉnh có chuyến công tác tại Cà Mau, trên đường về có ghé vào chung vui. "Mấy anh em ở các tỉnh đến tỉnh mình công tác, hay tin vui thì đến chúc mừng. Một số anh em này có hoạt động ở trường chính trị tại Cà Mau nên sẵn dịp ghé qua. Tôi là Trưởng đoàn ĐBQH nên đâu dám mời nhiều, chỉ mời một số anh em thân tình thôi", bà Đào nói.
Tuy nhiên, với những gì đã xảy ra việc bà Hồ Thị Cẩm Đào giải thích như trên khó lấy được lại niềm tin từ dư luận. Một đám cưới nườm nượp quan khách có lẽ không chỉ rình rang cho con trai của bà trong ngày cưới?
Qua đây, cho thấy, để khắc phục những vụ việc như trên, chỉ những quy định thôi là chưa đủ để đi vào đời sống mà cần có những chế tài xử lý nghiêm khắc, mạnh mẽ hơn với những vi phạm trong việc thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, việc tang, nhất là với những cán bộ, công chức.