Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2/2021, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên.
Một trong những nội dung được cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm, chính là công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời đặt nhiều kỳ vọng, Đại hội sẽ lựa chọn được những người có uy tín, có đủ tài và đức, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo tham gia Ban Chấp hành khóa mới.
|
Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. |
Phát biểu bế mạc tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII mới diễn ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số cán bộ lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, bổ sung một số Uỷ viên Trung ương khoá XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá XIII và một số đồng chí lần đầu thuộc trường hợp đặc biệt tham gia Uỷ viên Trung ương chính thức.
Thông qua nhân sự là Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá XIII và danh sách đề cử các ủy viên vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khoá XIII với số phiếu tập trung rất cao.
Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội Đảng, là bộ tham mưu chiến đấu, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ.
Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được đặc biệt chú trọng về chất lượng trên cơ sở bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương Đảng ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu. Bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển liên tục.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ, phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc ("chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài").
Mới đây, tại cuộc họp thông báo cho Đoàn Ngoại giao và các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân khi nói về công tác nhân sự cho biết, đây là vấn đề có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt. Bởi nó không chỉ gắn với thành công của Đại hội mà còn mang ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của Đảng và đất nước trong giai đoạn mới. Đảng đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, coi đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa mới đã được chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ, làm từng bước, từng việc, từng khâu, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm theo đúng quy trình nhân sự đề ra; bảo đảm để Ban Chấp hành Trung ương khóa mới phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.
Cũng theo ông Quân, Ban Chấp hành Trung ương khóa mới là tập thể tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.
“Trong công tác nhân sự, chúng tôi xác định xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc”, - ông Hoàng Bình Quân nhấn mạnh.
Về cơ cấu, ông Quân cho biết, trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Trong đó sẽ cố gắng tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu; chú ý tăng thêm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ có 3 độ tuổi là dưới 50, từ 50 đến 60 và từ 61 tuổi trở lên.
“Chất lượng nhân sự lãnh đạo được bầu tại các đại hội đảng bộ các cấp trong năm 2020, từ cấp cơ sở tới cấp trực thuộc Trung ương vừa qua đã được nâng lên rõ rệt. Trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao; tuổi đời trẻ hơn, tỷ lệ nữ và người dân tộc thiểu số cao hơn nhiều so với các nhiệm kỳ trước” - Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân nhấn mạnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tổng duyệt diễn tập phương án bảo vệ Đại hội Đảng: