|
TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã sôi nổi đóng góp các ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Các ý kiến đều khẳng định các văn kiện được xây dựng công phu, chất lượng, bố cục nội dung khoa học.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá đúng tình hình đất nước trong năm năm qua (2015-2020) và sau 35 năm đổi mới (1986-2020), đề cập đến những vấn đề mới cần thống nhất nhận thức và đồng thuận trong cán bộ, Đảng viên và tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, các đại biểu đưa ra một số vấn đề cần bổ sung, đề xuất, kiến nghị.
|
Đại diện Hội Đo lường Việt Nam. |
Theo ý kiến của đại diện Hội Đo lường Việt Nam cho rằng, về 3 đột phá chiến lược, các ý kiến nhất trí cao với 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; đây là sự kế thừa và phát triển 3 đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, phản ánh đúng trọng tâm, trọng điểm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong 10 năm tới. Đánh giá cao việc nghiên cứu, bổ sung các nội hàm mới vào các đột phá, như: Phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng, lòng tự hào dân tộc và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam…
Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến nhất trí cao với dự thảo báo cáo.
Tại mục 2 về phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đề nghị bổ sung nội dung “Xây dựng và triển khai chiến lược Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ; ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam.
Tại mục 7 về quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: Đề nghị quan tâm, có giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm xử lý có hiệu quả rác thải đô thị, ô nhiễm môi trường và chống hạn, xâm nhập mặn vùng ven biển; có chủ trương, chính sách cụ thể về quy hoạch, sắp xếp dân cư, tái định cư, ổn định sản xuất cho các chòm, bản các huyện miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...
|
TS Trần Việt Hùng – nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam. |
Còn đối với ý kiến của TS Trần Việt Hùng – nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam thì cho rằng, trong thời gian qua, phương thức lãnh đạo của Đảng đã có nhiều đổi mới, nhưng hiệu quả chưa cao.
Theo TS Trần Việt Hùng, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do các chủ trương, chính sách của Đảng chậm được thể chế hóa. Trước kia, khi Đảng chưa cầm quyền, các chủ trương, đường lối của Đảng thông qua các tổ chức quần chúng của Đảng đến thẳng quần chúng cách mạng, đến thẳng dân. Vì vậy, chỉ với khoảng 5000 đảng viên, Đảng ta vẫn lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng tám lịch sử. Ngày nay, Đảng ta là Đảng cầm quyền, vì vậy muốn chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống thì phải được thể chế hóa thành luật, quy định, quy chế …của Nhà nước.
Quá trình này hiện nay diễn ra rất chậm, thậm chí có những nội dung sau khi được thể chế hóa còn ngược với chủ trương ban đầu của Đảng (Ví dụ: Chỉ thị 42, Nghị định 45, Nghị định 68 về LHHVN). Đúng là trong Dự thảo Báo cáo chính trị có nhận xét: “Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong công tác cán bộ còn chậm; có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng” (trang 15- BCCT).
Nhưng những hạn chế này không chỉ giới hạn trong công tác cán bộ mà diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Nguyên nhân không phải chỉ do năng lực (trang 10-BCCT) mà chủ yếu là do nhận thức, quan điểm của một số cá nhân, tổ chức công quyền từ trung ương đến địa phương. Đây nên coi là một trong những nguyên nhân chính cản trở tốc độ phát triển của đất nước cần được cải thiện.
Bởi nếu không được thể chế hóa thì những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng cùng lắm cũng chỉ tác động được đến những đảng viên trong Đảng mà thôi, không thể đi vào cuộc sống. Một trong những vấn đề cần thể chế hóa đầu tiên chính là thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
|
Ông Đặng Đính Luyến – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội. |
Theo ý kiến của ông Đặng Đính Luyến – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội cho rằng vẫn còn nhiều bất cập trong dự thảo báo cáo như một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt được như kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại cũng chưa đạt được như kế hoạch.
Tình trạng mất cân đối về cơ cấu kinh tế (vùng, miền, ngành, nghề) còn cao. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, dự báo tình hình ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Năng suất lao động của Việt Nam tuy có sự cải thiện đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp; năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới tiếp tục bị tụt hậu và bỏ xa.
Hệ thống pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập, tạo kẻ hở làm thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.
Việc ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm các dòng sông, suối, ô nhiễm ở các làng nghê rất nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có các giải pháp hữu hiệu để ngăn chăn và khắc phục
Tình trạng khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chưa thật sự chặt chẽ; các vụ việc tiêu cực chậm được phát hiện và chưa được xử lý kịp thời.
Công tác phòng, chống tham nhũng tuy đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, sự mong mỏi của nhân dân; tình trạng tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp vẫn chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.
|
Quang cảnh hội thảo. |
Tại hội thảo nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, tuy nhiên các đại biểu cũng đồng quan điểm rằng phải có cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát có hiệu quả đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức khi vi phạm pháp luật, tham nhũng…..
Cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực công tác thực sự, bởi vì cán bộ là nguồn gốc của mọi thành công.
Vì vậy, trong phương hướng, nhiệm vụ của Đảng phải chú trọng cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp, nhất là cán bộ cấp chiếm lược, phải bảo đảm có phẩm chất tốt, trình độ, năng lực, uy tín ngang tầm với các nhiệm vụ được giao; cần chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, phải gương mẫu đi đầu và dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình trước pháp luật và nhân dân.