Sau hơn 1 năm được báo chí, dư luận phản ánh, cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang đã yêu cầu chủ công trình dừng - nghỉ trên đỉnh Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) có tên gọi Panorama phải tháo dỡ một phần công trình.
Ngày 8/10/2019, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất phương án xử lý đối với công trình sai phạm này là phá dỡ tầng 6, cải tạo phần còn lại làm điểm dừng chân ngắm cảnh. Phương án này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đồng ý.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang thời điểm đó, ông Hoàng A Chinh cho biết: công trình không được cấp phép xây dựng; xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi.
Các cơ quan chuyên môn của Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản Văn hóa từng nhiều lần gửi văn bản nhắc nhở, đề nghị UBND tỉnh Hà Giang xử lý.
|
Panorama thời điểm trước khi có quyết định phải hạ độ cao, chủ công trình phủ sơn xanh bên ngoài với ý tưởng "thân thiện với môi trường".
|
Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng mặc dù được xây dựng ngoài khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng nhưng lại nằm trong công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn – di sản được UNESCO ghi danh (công viên cao nguyên đá Đồng Văn) với 3 quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
Ngày 12/3, UBND tỉnh Hà Giang mở hội nghị xin ý kiến của các chuyên gia và đưa ra quyết định cải tạo công trình thành điểm dừng chân nhưng hầu như giữ nguyên kết cấu của công trình nhiều tầng này, chỉ đập bỏ một tầng nổi bên trên.
Bà Vũ Ngọc Ánh, chủ công trình trình bày đề xuất cải tạo thành điểm dừng chân ngắm cảnh không lưu trú qua đêm. Về kiến trúc, công trình được cải tạo cảnh quan phù hợp với môi trường xung quanh và đồng điệu với kiến trúc truyền thống của người Mông.
Về kết cấu công trình, bà Ánh nêu ý kiến: Phần công trình trên cốt mặt đường nên giữ lại toàn bộ kết cấu, chỉ thay đổi vật liệu hoàn thiện cho phù hợp như tiêu chí của Bộ VHTT&DL đã nêu.
Lý do giữ lại vì phần nổi này chính là đối trọng neo giữ toàn bộ công trình, vì toàn bộ công trình nằm trên một triền dốc đứng, nếu đập bỏ chính là làm nhẹ phần đối trọng của toàn bộ công trình, có thể gây trượt, nguy hiểm cho toàn bộ công trình.
|
Panorama thời điểm hiện tại sau 1 thời gian đóng cửa "cắt ngọn" công trình.
|
Phần cuối phía dưới của công trình nếu đập bỏ sẽ làm mất đối trọng phần chân khi chịu lực bên trên dồn xuống. Phần này như chốt chặn để công trình được ổn định và giữ cân bằng vị trí. Toàn bộ kết cấu trên được liên kết chặt chẽ, tạo sự ổn định cho công trình.
Ngoài ra, về tôn tạo và bổ sung cảnh quan xung quanh, bà Ánh cho biết, sẽ trồng cây và hoa, đảm bảo cảnh quan công trình hài hòa với thiên nhiên xung quanh.
Khối nhà hàng ăn uống và giải khát 2 tầng sẽ được thiết kế tường ốp vật liệu giả gỗ mô phỏng nhà truyền thống người dân tộc Mông, làm thêm ngói âm dương theo truyền thống nhà của người dân tộc Mông.
Khối nhà nghỉ 1 tầng với diện tích khoảng 207m2, tường và lan can sân trời được ốp vật liệu gỗ mô phỏng nhà truyền thống của người Mông. Các trụ cột sắt đỡ sân trời được bọc lại bằng vật liệu tre trúc.
Bên dưới những lan can sân trời trồng cây rủ lá mô phỏng như thác nước chảy trên những vách đá. Bậc thang được ốp đá tự nhiên đan xen những khóm hoa…
|
Diện mạo mới của Panorama sau một thời gian chỉnh sửa "phạt nhưng cho tồn tại"
|
Tháng 8/2020, tỉnh Hà Giang chỉ đạo cải tạo công trình. Theo đó, Panorama Mã Pì Lèng chỉ bị phá dỡ một phần mái nhô ra phía sông Nho Quế, các góc che khuất tầm nhìn người đi đường. Về cơ bản quy mô công trình không thay đổi. Từ một công trình sai phạm, chủ đầu tư nay được quyền quản lý, khai thác điểm dừng chân ngắm cảnh.
Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng bê tông cốt thép với các sàn thép gồm 7 cấp xây bám theo địa hình khởi công tháng 4/2017, khánh thành 30/4/2019.
Tổng mặt bằng hơn 500m2, xây dựng 80% thì bị dừng sau khi báo chí lên tiếng hồi đầu tháng 10/2019. Chính quyền huyện Mèo Vạc khi đó lập đoàn kiểm tra liên ngành còn Sở Xây dựng Hà Giang vào cuộc yêu cầu tháo dỡ, sau đó chuyển sang đề xuất cải tạo, chỉnh trang một phần.
|
Nhiều người nhận xét, Panorama Mã Pì Lèng sau khi chỉnh sửa có phần bề thế hơn công trình ban đầu. Phần mặt tiền sát với đường giao thông thay vì hai tầng nay như ba tầng. Màu sắc chất liệu xây dựng và ngói lợp âm dương theo góp ý của các chuyên gia nhưng khi thực hiện cải tạo lại có chất liệu và kiểu dáng hoàn toàn khác.
|
Quy mô công trình sau cải tạo gồm 5 cấp, xây bám theo địa hình, cần tháo dỡ cấp 6 và cấp 7 có sàn thép phục vụ ngắm cảnh tại khu vực mỏm đá phía vực để đảm bảo an toàn.
Ngày hôm qua, 24/12, Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTT&DL) đã có công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến nội dung cải tạo công trình công trình nêu trên.
Cục Di sản lưu ý việc cải tạo công trình cần thực hiện theo đúng ý kiến của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (tại công văn số 4141/BVHTTDL-DSVH ngày 14/10/2019) và phương án đã có sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Ông Cao Xuân Dũng, PGĐ Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang nói, công trình xây dựng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của UBND huyện Mèo Vạc. Sở Xây dựng không có trách nhiệm quản lý đối với công trình này.
Tuy nhiên, theo biên bản hội nghị hồi đầu tháng 3/2020, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, phương án cải tạo; gửi xin ý kiến chuyên gia trong tháng 3 trước khi tiến hành chỉnh sửa.
Chánh văn phòng UBND huyện Mèo Vạc Trần Thạch Hằng cho biết, chủ công trình chỉnh sửa, cải tạo đúng theo hồ sơ thiết kế đã thẩm định, xin ý kiến các cơ quan chức năng của Hà Giang và đã được chấp thuận tại hội nghị hồi tháng 3/2020.