Chủ Mã Pì Lèng Panorama bị xử lý, tại sao quan chức Hà Giang lại không?

Google News

(Kiến Thức) - Do sai phạm trong trật tự xây dựng với công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng chủ nhà nghỉ đã bị xử lý và phải phá bỏ một phần công trình Panorama. tại sao quan chức Hà Giang lại không bị xử lý?.
 

Ngày 9/10, Sở Xây dựng Hà Giang có văn bản gửi UBND tỉnh này báo cáo kết quả kiểm tra công trình khách sạn Panorama sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng. Theo đó, chủ cơ sở chỉ cung cấp một bộ bản vẽ thiết kế công trình chưa qua thẩm định, chủ đầu tư có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất trồng cây hằng năm) nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Sở Xây dựng đối chiếu với quy định quản lý của đồ án quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2017, nhà hàng Panorama nằm trong vùng hạn chế hoạt động xây dựng mới (chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu; chiều cao các công trình từ 1 đến 3 tầng).
Vì thế, Sở này đề xuất 6 tầng giật cấp bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh, thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11. Như vậy, đề xuất của các sở ngành vẫn cho phép chủ nhà giữ lại một phần công trình (vị trí hiện tại là quán cà phê).
Do sai phạm trong trật tự xây dựng với công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng chủ nhà nghỉ đã bị xử lý và phải phá bỏ một phần công trình Panorama. Tuy nhiên, chưa 1 cá nhân, đơn vị nào ở Hà Giang nhận trách nhiệm hay bị đề xuất xử lý do để xảy ra vi phạm.
Chu Ma Pi Leng Panorama bi xu ly, tai sao quan chuc Ha Giang lai khong?
 Nhà hàng Panorama.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam cho rằng: "Các cơ quan quản lý di sản, quản lý xây dựng trên địa bàn huyện Mèo Vạc, các sở Xây dựng, TN-MT, VH-TT&DL tỉnh Hà Giang phải nhận diện được việc xây dựng các công trình này tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên danh thắng Mã Pì Lèng.
Cơ quan quản lý nhà nước phải đánh giá được các tác động tới di sản chứ không phải cứ ngoài vùng bảo vệ di sản thì người dân, doanh nghiệp muốn xây gì cũng được. Việc để xảy ra sai phạm phần lớn là do công tác quản lý đầu tư xây dựng, bảo vệ di sản, thắng cảnh tại địa phương không chặt chẽ".
Còn Luật sư Trần Tuấn Anh ((Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay: "Chính quyền cũng phải kỷ luật, xử lý các cán bộ ở địa phương - ở đây trực tiếp là UBND huyện Mèo Vạc - đã buông lỏng quản lý, để cho sai phạm xảy ra, thậm chí phải xem xét cả yếu tố lợi ích nhóm".
Ông Hoàng Xuân Đôn, cán bộ BQL Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được quy hoạch 3 tuyến tham quan với 45 điểm dừng chân, trong đó điểm ngắm hẻm Tu Sản là điểm số 40 (vị trí hiện nay là công trình Panorama).
Theo ông Đôn, đoàn chuyên gia của UNESCO trong quá trình tái thẩm định đã không ghé qua công trình Panorama nên việc tái thẩm định diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên về lâu dài, công trình có thể sẽ bị UNESCO phản đối vì làm trái khuyến nghị ban đầu.
>>> Xem thêm video: Chủ nhà 7 tầng ở Mã Pì Lèng xây công trình vì chính quyền ủng hộ?

Nguồn: VTC 14.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)