Đại biểu Quốc hội ý kiến trái chiều độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra ý kiến trái chiều nhau về việc chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Sáng 24/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).
Đa số ý kiến đề nghị không sửa khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015, theo đó giữ nguyên quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và cho rằng, tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện thời gian qua có chiều hướng gia tăng, cần phải xử lý nghiêm.
Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình là không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng.
Dai bieu Quoc hoi y kien trai chieu do tuoi chiu trach nhiem hinh su
 Về việc chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, BLHS năm 2015 đã quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự cả về loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này đang có xu hướng diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây. Kết quả phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 2, có 266/397 ĐBQH tán thành quy định này của BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, dự thảo Luật do Chính phủ trình đề nghị sửa quy định này theo hướng: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 3 tội nêu trên nếu thuộc loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả tổng hợp ý kiến của 53 Đoàn ĐBQH về dự án Luật, có 41 Đoàn có ý kiến về vấn đề này, trong đó: 26/41 Đoàn tán thành với phương án sửa đổi do Chính phủ trình, 15/41 Đoàn ĐBQH đề nghị giữ như quy định của BLHS năm 2015.
Do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án. Thứ nhất, giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh nêu trên.
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự, vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đề nghị cân nhắc vấn đề trên. “Lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 thực chất chỉ là độ tuổi của những cháu học sinh lớp 8, lớp 9 đang ngồi trên ghế nhà trường. Do vậy những thay đổi của BLHS 2015 là những thay đổi rất lớn trong chính sách hình sự của Nhà nước ta theo hướng xử lý nghiêm đối với trẻ em”.
Đại biểu Thủy dẫn chứng, trong 3 năm từ 2014 đến 2016, trên phạm vi cả nước chỉ có 122 em bị truy tố với Tội cố ý gây thương tích, 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm, 2 em bị truy tố tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, chiếm tỷ lệ rất ít. Nguyên nhân khiến các em phạm tội chủ yếu là do không tìm được chỗ dựa từ mái ấm gia đình. Hầu hết là trẻ mồ côi, có bố mẹ ly hôn, phạm tội… Bên cạnh đó, môi trường văn hóa giải trí của các em chưa thực sự an toàn, các trang web đen tràn ngập trên mạng. Đứng trước tình hình trẻ em phạm tội, vấn đề cơ bản là không phải chúng ta chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của các em mà điều quan trọng hơn là cần tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng chỉ xử lý hình sự khi các cháu phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng như từ trước tới nay.
Tuy nhiên, một số đại biểu khác cũng cho rằng, cần phải giữ nguyên quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn ĐBQH Bình Thuận) đề nghị phải giữ nguyên quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự: “Tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện thời gian qua có chiều hướng gia tăng, cần phải xử lý nghiêm. Phải xử lý theo tinh thần “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi””.
Hải Ninh

Bình luận(0)