Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng con số thống kê chỉ thể hiện phần nổi của tảng băng chìm, đây chỉ là những trường hợp bị phát hiện xử lý vì trong xã hội hiện nay trẻ em có thể bị xâm hại ở bất kỳ đâu, bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào. Và trong thời gian gần đây, xã hội đang nóng lên vụ việc trẻ bị bạo lực trong trường học và xâm hại.
|
Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em. |
Theo ông Nam, thời gian gần đây, những trường hợp bạo hành trẻ lại là người thường xuyên tiếp xúc với trẻ như giáo viên mầm non vẫn tiếp diễn một phần do họ không hiểu biết về pháp luật. Một phần nữa do họ thiếu kỹ năng làm việc với trẻ trong khi hằng ngày lại thường xuyên tiếp xúc với trẻ dẫn đến mệt mỏi không kiềm chế được sinh ra nóng nảy.
Vị Cục trưởng phân tích, những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ như giáo viên mầm non, cha mẹ, người làm việc ở trung tâm bảo trợ xã hội,… cần phải có kỹ năng và cách phòng ngừa để trẻ không bị xâm hại, trong đó có cả chính họ.Vì theo thống kê, những người trực tiếp chăm sóc trẻ lại dễ gây ra bạo lực cho trẻ nhất.
“Những người chăm sóc trẻ phải từng bước hướng dẫn kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất cho trẻ càng sớm càng tốt để có thể tự bảo vệ mình và thường xuyên giám sát cuộc sống của trẻ ở mọi nơi, mọi lúc để trẻ không bị xâm hại” – ông Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Nam, bố mẹ phải thường xuyên dành thời gian trò chuyện với trẻ xem có vấn đề gì đã xảy ra khi ở bên ngoài hay dấu vết bất thường trên cơ thể, biểu hiện về tâm lý, cùng với đó là dạy trẻ những chỗ nào trên cơ thể bố mẹ được đụng chạm mà người lạ thì không được phép để phòng ngừa bị xâm hại.
Khi trẻ đã bị xâm hại thì phải biết cách tố cáo hành vi này, đặc biệt là xâm hại tình dục để làm thế nào đưa được thủ phạm ra trước pháp luật xử lý cùng với đó phải bảo vệ được chính đứa trẻ của mình.