Sáng 21/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.
Không phải cứ bất cập là đổi vai chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý
Chính phủ trình hai phương án gồm phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.
Nêu ý kiến thảo luận, Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (đoàn Hải Phòng) cho biết, ông tán thành phương án 2.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho rằng, phương án này đã được thực hiện từ năm 2002 (ngay đầu nhiệm kỳ QH khóa XI) và hiện vẫn đang phát huy tác dụng tốt.
“Đúng như Tờ trình của Chính phủ đã nêu: “một số vấn đề vướng mắc, bất cập là do quá trình thực thi chưa tốt, chưa phát huy hết trách nhiệm của các cơ quan tham gia vào quá trình này.
Như vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định để đề cao trách nhiệm của từng chủ thể từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến đến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật để nâng cao chất lượng của mỗi văn bản cũng như chất lượng của cả hệ thống pháp luật, chứ không phải vì một số bất cập gần đây thì lại đổi vai chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý”, ông Khải nêu ý kiến.
|
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 21/11. |
Đồng thời, theo Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, lập pháp là một trong 3 chức năng chủ yếu của Quốc hội. Do vậy, các cơ quan của Quốc hội cần đóng vai trò chủ trì ở khâu tiếp tục chỉnh lý dự án luật trước khi Quốc hội thông qua.
“Vấn đề là quy định thế nào để vẫn phát huy được vai trò, trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước sau này”, ông Khải nói.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho rằng, qua kinh nghiệm tham gia xây dựng pháp luật nhiều năm (kể cả trong vai ban soạn thảo hay vai Ủy ban thẩm tra), ông thấy vai trò của cơ quan soạn thảo, đặc biệt là người đứng đầu là rất quan trọng.
“Vai trò đó được thể hiện bằng trách nhiệm chính trị, tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm quản lý cũng như tinh thần cầu thị và hợp tác chặt chẽ, mang tính cộng đồng trách nhiệm với cơ quan thẩm tra”, Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải nói.
Đại biểu đoàn Hải Phòng cũng cho rằng, sự phối hợp ngay từ đầu giữa Uỷ ban Pháp luật với một ủy ban nào đó được dự kiến phân công chủ trì thẩm tra từ nghị xây dựng luật đến hồ sơ dự án luật.
“Việc đánh giá toàn diện, khách quan, nghiêm túc các tiêu chí, điều kiện, yêu cầu về chất lượng đề nghị xây dựng luật theo đúng quy trình trước khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật, nghị quyết là một khâu quan trọng, quyết định chất lượng văn bản luật sau này”, đại biểu Nghiêm Vũ Khải nói.
Lo ngại hai dự Luật khó được thông qua trong nhiệm kỳ QH khóa XIV
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cũng nêu ý kiến về thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng pháp luật.
Ông cho biết, năm 2008, Ban chấp hành TW khóa X ban hành Nghị quyết 27 về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày 16/4/2010, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 42-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Sau đó, Ban Bí thư đã ra Thông báo số 353-TB/TW ngày 25/6/2010, đề ra yêu cầu nghiên cứu, ban hành Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp và Luật phổ biến kiến thức KH&CN trong đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII.
Theo đại biểu Khải, nhằm góp phần thực hiện sự chủ trương, chính sách nêu trên của Đảng đối với đội ngũ trí thức cũng như đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tháng 5 vừa qua, Liên hiệp đã trình Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh số 409/BC-UBTVQH14 ngày 10/6/2019, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu: ”Về dự án Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp... Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét; trường hợp bảo đảm đủ điều kiện sẽ bổ sung vào Chương trình”.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho biết, hiện nay, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, đã xây dựng được bản dự thảo Luật HNKSCN với 9 Chương và 54 Điều.
Tuy nhiên, ông nói rằng, đến nay, qua một số cuộc họp thì ý kiến của các cơ quan hữu quan còn khác nhau và bày tỏ lo ngại, hai dự án Luật HNKSCH và Luật PBKT KH&CN khó có khả năng thông qua trong nhiệm kỳ QH khóa XIV.
'Nguy cơ chậm thực hiện chỉ đạo của Trung ương tới hai nhiệm kỳ là hiện hữu', ông Khải nói.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh, gần đây trong các văn kiện, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tiếp tục khẳng định vai trò của KH&CN cũng như vai trò đội ngũ trí thức KH&CN. Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều hoạt động thể hiện sự quan tâm, chăm lo phát triển nguồn nhân lực kỹ năng cao để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; phát triển ngành cơ khí Việt Nam, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0...
Để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược nêu trên, ông Khải cho rằng, vai trò của đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp là khâu then chốt nhất.
Dẫn ví dụ về việc các quốc gia dẫn đầu về công nghệ trên thế giới đều đã ban hành Luật KSCN như ở Mỹ, đạo luật KSCN đầu tiên đã được ban hành năm 1907 (hơn 110 năm) và nói rằng, trong 10 nước ASEAN thì chỉ có Lào và Việt Nam ta là chưa có luật này. "Điều này rất đáng suy nghĩ", ông Khải phát biểu và đề nghị các cơ quan hữu quan sớm triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương.