Ngày 30/9, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, đã tiếp nhận đơn trình báo của bà L. (SN 1954, ở quận Đống Đa) về việc bị kẻ giả danh công an lừa hơn 300 triệu đồng.
Lừa đảo giả danh Công an: Cách nhận biết và xử lý (Ảnh minh họa)
Trước đó, vào ngày 23/9, Công an quận Đống Đa đã tiếp nhận đơn trình báo của bà L. về việc nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là công an, nói bà có liên quan đến vụ án rửa tiền và đang nợ ngân hàng hơn 50 triệu đồng. Sau đó, đối tượng kết nối cho bà nói chuyện với một người tự xưng là cán bộ VKSND tối cao, yêu cầu bà phải chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra.
Do lo sợ, bà L. đã đến ngân hàng chuyển hơn 300 triệu đồng cho đối tượng. Sau đó, bà L. phát hiện mình bị lừa đảo nên đến cơ quan công an trình báo.
Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác. Đặc biệt là nhiều người dân cao tuổi do chủ quan, ít cập nhật thông tin cảnh báo lừa đảo đã sập bẫy của các đối tượng.
Do thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi nên ngay cả khi có sự can thiệp của cơ quan Công an, việc giải quyết cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, người dân cần tự cảnh giác để không bị sập bẫy lừa đảo. Cần tỉnh táo, cảnh giác trước các giọng điệu đe dọa; không cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.
Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè, nhất là những người lớn tuổi, thiếu thông tin về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu,
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015: Người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.