CSGT TP HCM chửi tục: Quy tắc ứng xử, giao tiếp văn hoá là gì?

Google News

(Kiến Thức) - Đối chiếu hành vi chửi tục với quy tắc ứng xử của Công an nhân dân được quy định tại Thông tư số 27/2017 của Bộ Công an có hiệu lực kể từ ngày 6/10/2017 có thể thấy cán bộ CSGT chửi tục người dân đã có dấu hiệu vi phạm.

Vụ việc cán bộ đội CSGT Bến Thành (TP HCM) chửi tục đang khiến dư luận bức xúc vì cán bộ này đã có hành vi thiếu chuẩn mực khi làm nhiệm vụ, không chấp hành nghiêm quy tắc ứng xử của cán bộ công an nhân dân khi ứng xử với người dân.
Cụ thể, tối 6/12, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một CSGT chửi tục khi người tham gia giao thông quay clip. Theo nội dung đoạn clip, nam thanh niên đi xe máy thắc mắc lý do vì sao bị CSGT thổi phạt khi quẹo vào đường Nguyễn Thị Nghĩa. Khi người quay clip hỏi “em quẹo từ đường nào vô mà anh phạt? Thôi anh đừng có nói vậy?” thì CSGT buông lời chửi tục rồi lái moto đặc chủng bỏ đi.
Ngay khi đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội đã khiến cộng đồng mạng bức xúc trước thái độ và cách ứng của của cán bộ CSGT khi làm nhiệm vụ.
Trao đổi với báo chí, đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết đơn vị nắm được thông tin sự việc một cán bộ CSGT có hành vi không chuẩn mực khi làm việc với người dân.
Theo đó, vụ việc xảy ra tại giao lộ Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1, TP Hồ Chí Minh) và đây là địa bàn do Đội CSGT Bến Thành phụ trách.
CSGT TP HCM chui tuc: Quy tac ung xu, giao tiep van hoa la gi?
Hình ảnh cắt từ clip vụ CSGT TP HCM chửi tục khiến dư luận bức xúc. 
Đối chiếu hành vi chửi tục với quy tắc ứng xử của Công an nhân dân được quy định tại Thông tư số 27/2017 của Bộ Công an có hiệu lực kể từ ngày 6/10/2017 có thể thấy cán bộ CSGT này đã có dấu hiệu vi phạm.
Cụ thể, nguyên tắc ứng xử trong Thông tư số 27/2017 nêu rõ, phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệnh Công an nhân dân; Tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc và truyền thống Công an nhân dân. Đặc biệt, Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong khi thi hành nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm túc quy trình công tác, quy tắc ứng xử và quy tắc đạo đức nghề nghiệp có liên quan.
Tại điều 6 về Ứng xử với Nhân dân nêu rõ, kính trọng, lễ phép với Nhân dân; gắn bó mật thiết với Nhân dân; tận tình, trách nhiệm giải quyết công việc, yêu cầu chính đáng của Nhân dân. Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn; ưu tiên giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai; Không được có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc...
Tại điều 7, Ứng xử với người vi phạm pháp luật cũng nêu rõ, khi tiếp xúc với người vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực, không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối với người vi phạm.
Tại điều 11 quy định về Ứng xử nơi công cộng nêu rõ: Gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức công dân được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện; ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng; Không có lời nói, hành vi vi phạm các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng.
Do vậy, việc dư luận bức xúc trước hành động trên của cán bộ CSGT TP HCM là điều dễ hiểu.
Bởi lẽ ra trong trường hợp trên, cán bộ CSGT tại hiện trường phải giải thích rõ ràng, cụ thể về hành vi vi phạm của người dân, mức xử phạt, vận động, yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm của mình và chấp hành theo hiệu lệnh của lực lượng CSGT. Đồng thời phải giữ thái độ đúng mực của người cán bộ công an nhân dân.
Do vậy, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với lực lượng CSGT là vô cùng cần thiết trong khi thực hiện nhiệm vụ. Đây là một trong những yếu tố nguồn gốc, tạo ra hiệu quả công tác; sự tín nhiệm, yêu mến và sự giúp đỡ của nhân dân với Cảnh sát giao thông.
Thực tế CSGT là những cán bộ trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, thông qua giao tiếp, ứng xử, người cảnh sát giao thông giúp người tham gia giao thông hiểu rõ hơn các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền các nội dung về an toàn giao thông; trực tiếp, kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn lỗi vi phạm; giải thích cho người vi phạm nhận thấy rõ lỗi của hành vi vi phạm, hậu quả của hành vi vi phạm để tránh tái phạm…qua đó nâng cao nhận thức của người dân về TTATGT, đảm bảo cho người tham gia giao thông thực hiện đúng đúng Luật an toàn giao thông đường bộ, mang lại an toàn cho bản thân, cho xã hội.
Trường hợp cán bộ cảnh sát giao thông khi tiếp xúc, ứng xử với người tham gia giao thông, người vi phạm còn có biểu hiện chưa đúng mực ở tác phong, thái độ, cử chỉ, hành động, lời nói hoặc khi trình bày, giải thích lỗi cho người vi phạm còn chưa thấu tình, đạt lý gây hiểu lầm, bức xúc cho người dân sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ CSGT nói riêng và lực lượng công an nhân dân nói chung, nhất là khi người dân thực hiện quyền giám sát rất cao đối với các lực lượng chức năng, sẵn sàng quay video, clip...tung lên mạng xã hội.
Do vậy, dư luận đề nghị Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cần xác minh làm rõ và xử lý nghiêm nếu cán bộ vi phạm quy tắc ứng xử của ngành.
>>> Mời độc giả xem video CSGT chửi tục khiến dư luận bức xúc:
  
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)