COVID-19 khiến nhiều trẻ mồ côi: Thủ tục nhận nuôi thế nào?

Google News

Đại dịch COVID-19 đã khiến khoảng 250 trẻ em ở TP HCM mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha mẹ. Hiện cơ quan chức năng đang lên phương án hỗ trợ trường hợp trẻ mồ côi, trong đó có việc nhận nuôi.

Tại Hội nghị trực tuyến về triển khai các giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của dịch COVID-19, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: "Ghi nhận bước đầu tại TPHCM, dịch COVID-19 đã khiến khoảng 250 trẻ em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha mẹ". 
Theo báo cáo của các địa phương trên cả nước, tính đến ngày 31/8/2021 có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 trẻ em. Ở phạm vi rộng hơn, nhiều trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng.
COVID-19 khien nhieu tre mo coi: Thu tuc nhan nuoi the nao?
 Nhiều trẻ trở thành trẻ mồ côi sau đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)
Về phương án hỗ trợ trường hợp trẻ mồ côi cả cha mẹ do tử vong vì COVID-19, ông Đặng Hoa Nam cho biết: "Trước hết cần phải tìm người thay thế cho các cháu trên cơ sở quy định pháp luật. Các cháu mồ côi cha mẹ sẽ được cơ quan chức năng sẽ tìm người thân thích, nếu không có thì sẽ tìm các cá nhân, gia đình tự nguyện nhận chăm sóc. Trường hợp cuối cùng mới đưa các cháu vào trung tâm bảo trợ xã hội ở địa phương".
Theo ông Nam, với trường hợp trẻ mất bố hoặc mẹ thì tùy tình huống cụ thể. Nếu gia đình cháu thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo thì sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ thêm, bên cạnh sự hỗ trợ của cộng đồng và xã hội.
Hiện nay, nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm COVID-19.
Theo luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng luật sư Trung Hòa cho biết, việc nhận nuôi trẻ mồ côi hợp pháp theo pháp luật của Việt Nam hiện nay được áp dụng theo các quy định của việc nuôi con nuôi.
Việc nhận con nuôi trẻ có bố mẹ tử vong do COVID-19 hay trẻ mồ côi cần phải đảm bảo một số điều kiện cụ thể. Theo đó, cá nhân muốn nhận con nuôi thì phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định của Luật nuôi con nuôi năm 2010, cụ thể các điều kiện bao gồm:
 Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt. Đây là điều kiện chung, điều kiện tiên quyết cho việc nhận con nuôi.
COVID-19 khien nhieu tre mo coi: Thu tuc nhan nuoi the nao?-Hinh-2
Luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng luật sư Trung Hòa. 
Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi thì ngoài các điều kiện nêu trên, người đó còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú.
Bên cạnh đó, cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được nhận con nuôi, bao gồm:
Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Đang bị chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; Đang chấp hành hình phạt tù; Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; Dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; Mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Theo quy định của Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì người được nhận làm con nuôi bao gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
Bên cạnh đó nhà nước cũng quy định một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
Theo quy định nêu trên, thì việc người thân trong gia đình, có quan hệ huyết thống được nhận con nuôi ở độ tuổi lớn hơn là từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, tại Điều 13 của Luật nuôi con nuôi thì cấm ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi. Vì vậy, không phải người trong gia đình có quan hệ huyết thống đều được nhận nuôi con nuôi.
"Về thủ tục nhận nuôi trẻ mồ côi phải tiến hành theo quy định của pháp luật, không phân biệt người thân hay người ngoài. Tuy nhiên, trong vấn đề tình cảm, xét duyệt hồ sơ và lấy ý kiến các bên thì việc người thân nhận nuôi trong một số trường hợp có thể ưu tiên hơn" - luật sư Hoàng Tùng nói.
>>> Mời quý độc giả xem video: Triệt phá đường dây buôn bán trẻ em xuyên quốc gia

Nguồn: THĐT

Hiểu Lam - Nguyễn Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)