Liên quan vụ xe container đâm Innova trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, ngày 14/2, TAND thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) đã tuyên phạt bị cáo Lê Ngọc Hoàng (35 tuổi, quê Thái Bình, tài xế xe container) 4,5 năm tù, bị cáo Ngô Văn Sơn (42 tuổi, ở Bắc Ninh, lái xe Innova) bị tuyên 9 năm tù về cùng tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Ngoài ra, TAND thị xã Phổ Yên yêu cầu bị cáo Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng phải đền bù 1,6 tỷ đồng cho các gia đình bị hại. Trong đó, bị cáo Ngô Văn Sơn phải chịu 2/3 và Lê Ngọc Hoàng chịu 1/3 số tiền đền bù.
HĐXX cho rằng, đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng, trên cơ sở xem xét tài liệu, HĐXX đánh giá phù hợp với sự việc, phù hợp với kết luận giám định, phù hợp với lời khai... Do vậy, tòa sơ thẩm xác định bị cáo Hoàng có một phần lỗi khi điều khiển xe tham gia giao thông không tuân thủ tốc độ trên đường. Trong khi đó, bị cáo Ngô Văn Sơn trong máu có nồng đồ cồn, song bị cáo vẫn điều khiển xe ô tô tham gia giao thông trên đường. Chưa kể bị cáo còn lùi xe trên đường cao tốc, chở quá số lượng người quy định. Do vậy, VKS truy tố 2 bị cáo về tội danh trên là có căn cứ, đúng người đúng tội.
|
Tài xế Lê Ngọc Hoàng. |
Đồng thời HĐXX cho rằng, đây là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, cần thiết có hình phạt nghiêm khắc, tương ứng mới mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra. Tuy nhiên, quá trình lượng hình, căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ, nhận thấy cả 2 bị cáo đều có nhân thân tốt, bị cáo Sơn thành khẩn nhận tội. Đối với bị cáo Hoàng quá trình điều tra cũng thành khẩn khai báo, bố đẻ bị cáo là người có công với cách mạng nên HĐXX quyết định tuyên phạt hai bị cáo mức án trên.
Tuy nhiên, sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, tài xế container Lê Ngọc Hoàng liên tục gào khóc kêu oan “tôi bị oan, tôi bị oan”. Dư luận đặt câu hỏi, tài xế Lê Ngọc Hoàng bị tuyên 4,5 năm tù có oan?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong vụ án này, quan điểm của Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và quan điểm bào chữa rất khác nhau dẫn đến việc bị cáo Lê Ngọc Hoàng kêu oan, còn viện kiểm sát xác định có tội và đề nghị mức hình phạt từ 4-5 năm tù. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên án kết tội bị cáo Hoàng với mức án 4,5 năm tù.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) cho rằng có đủ căn cứ xác định chiều 19/11/2016, Ngô Văn Sơn (42 tuổi, quê Bắc Ninh) lái xe Innova khi trong máu có nồng độ cồn, chở quá số người cho phép trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Đến nút giao Yên Bình ở thị xã Phổ Yên, do đi quá lối ra nên Sơn đã dừng xe bên lề cao tốc, bật đèn cảnh báo nguy hiểm và cho xe đi lùi theo hướng ngược chiều.
Cùng lúc đó, Lê Ngọc Hoàng lái xe container chở thép đi phía sau. Đến gần nút giao, tài xế này không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối thiểu và không giảm tốc độ đến mức an toàn. Khi phát hiện xe Innova phía trước cùng làn đường đang bật đèn cảnh báo nguy hiểm để đi lùi, Hoàng đã tông vào đuôi ôtô 7 chỗ. Hậu quả vụ tai nạn giao thông khiến 5 người tử vong và 5 người khác bị thương.
Luật sư Cường phân tích, trong trường hợp, tài liệu điều tra và kết quả tranh tụng tại phiên toà cho thấy, tài xế Hoàng đã nhìn thấy xe Innova đang di chuyển ngược chiều tuy nhiên tài xế này đã không bấm còi, không đạp phanh mà tiếp tục cho xe di chuyển lên phía trước, đến gần chiếc xe này thì mới đạp phanh dẫn đến không kịp xử lý và tai nạn thì đây được xác định là lỗi vô ý do chủ quan và tài xế này có tội.
Bị cáo Hoàng chỉ vô tội khi không có lỗi, nghĩa là không thể quan sát được chiếc xe đó đang di chuyển ngược chiều hoặc khi quan sát thấy được chiếc xe di chuyển ngược chiều thì khoảng cách giữa hai xe đã quá gần, tài xế này xử lý ngay các động tác cần thiết có thể như bấm còi, đạp phanh, đánh lái... nhưng vẫn không cứu vãn được tình thế thì trường hợp này mới được xác định là sự kiện bất ngờ, không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Với một thị lực bình thường, trên đường cao tốc thẳng, thời tiết ban ngày thì tài xế có thể nhìn xa khoảng 300 đến 500m. Với khoảng cách này mà phát hiện ra xe đang đi lùi thì có đủ thời gian để xử lý tình huống theo quy định của luật giao thông đường bộ là gặp chướng ngại vật sẽ giảm tốc độ đến mức thấp nhất, có thể dừng lại để đảm bảo an toàn.
Nếu trong điều kiện thời tiết kém hoặc ban đêm, góc cua, khuất chướng ngại vật... thì tầm nhìn có thể hạn chế hơn, tình huống sẽ là bất ngờ. Nếu tầm nhìn hạn chế hoặc phương tiện phía trước bất ngờ di chuyển từ trong ra ngoài hoặc do tài xế thiếu chú ý quan sát, thời điểm phát hiện ra chiếc xe phía trước đi lùi thì khoảng cách giữa hai xe đã nhỏ hơn 50 mét (khoảng cách an toàn tối thiểu trên đường cao tốc), tài xế không có đủ điều kiện để xử lý tình huống một cách an toàn. Nếu sự kiện xảy ra không do lỗi chủ quan của tài xế thì mới được xác định là sự kiện bất ngờ và tài xế không có lỗi.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. |
Bởi vậy một trong những yếu tố quan trọng trong vụ án này là xác định tầm nhìn của một người bình thường ở khu vực hiện trường vụ án xem khả năng quan sát, phát hiện chiếc xe ngược chiều là từ bao xa?
"Tại thời điểm tài xế Hoàng phát hiện ra chiếc xe Innova đi lùi thì khoảng cách giữa hai xe là bao xa, khoảng cách đó có đủ để tài xế này xử lý hay không, có được xác định là sự kiện bất ngờ hay không ? Khi phát hiện ra chướng ngại vật phía trước, tài xế Hoàng có tuân thủ quy định của luật giao thông đường bộ là ngay lập tức giảm tốc độ đến mức tối thiểu hay không?", Luật sư Cường nêu ý kiến.
Đồng thời cho rằng, nếu thời điểm phát hiện chiếc xe đi lùi, khoảng cách còn lớn hơn khoảng cách an toàn tối thiểu và người lái xe có thể xử lý một cách an toàn như giảm tốc độ, chuyển hướng một cách an toàn nhưng người này đã không xử lý thì rõ ràng là có lỗi và phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án này khả năng quan sát chiếc xe đi lùi phía trước và thái độ, hành vi của bị cáo Hoàng khi phát hiện tình huống xe đi lùi là yếu tố quyết định đến tình huống này: Có phải là bất khả kháng hay không? Nếu không phải là bất khả kháng thì việc kết tội với Hoàng là có căn cứ.
Vụ án xảy ra vào thời điểm bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 có hiệu lực pháp luật. Bởi vậy, trong trường hợp tòa án xác định các bị cáo có tội thì sẽ áp dụng quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 để kết tội, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
“b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;”
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
6. Theo hướng dẫn của Nghị quyết 02/2003/HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao thì: “Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự: "a. Làm chết ba người trở lên".
Trong vụ án này, có 5 nạn nhân thiệt mạng, bởi vậy đây được xác định là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
Trong vụ án này, tòa án xác định bị cáo Sơn có lỗi chính dẫn đến hậu quả tai nạn khiến 5 người thiệt mạng, thiệt hại về tài sản cũng rất lớn. Do vậy, toà án sơ thẩm tuyên phạt Sơn 9 năm tù là có căn cứ, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Mức bồi thường hơn một tỷ đồng cho các gia đình người bị hại là có căn cứ, trên cơ sở pháp luật.
Còn đối với bị cáo Hoàng, nếu không có cơ sở để xác định hành vi đối với Hoàng là sự kiện bất ngờ, tình huống bất khả kháng thì việc kết tội Hoàng là có căn cứ. Khi đã kết tội bị cáo Hoàng thì áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo Điều 46 để áp dụng Điều 54 xét xử bị cáo dưới khung hình phạt (dưới 7 năm) với mức 4 năm 6 tháng tù cũng là phù hợp với quy định của pháp luật, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo.
Hiện nay vụ án này mới được xét xử sơ thẩm, theo quy định của pháp luật thì bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Nếu không đồng ý với nội dung của bản án sơ thẩm thì nị cáo Hoàng có thể kháng cáo để tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ vụ án. Bản án của tòa án cấp phúc thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật, bắt buộc các đương sự phải chấp hành. Nếu tại phiên tòa phúc thẩm mà bị cáo hoàng và những người bào chữa không xuất trình được tài liệu, chứng cứ gì mới, không chứng minh được đây là tình huống bất ngờ hoặc sự kiện bất khả kháng thì tòa án cấp phúc thẩm sẽ giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, một điều cũng cần lưu ý là khi tham gia giao thông, Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải “chú ý quan sát” chứ không chỉ là “quan sát” bình thường, đặc biệt trên đường cao tốc thì càng phải “chú ý quan sát “để phát hiện tình huống từ xa, có đủ thời gian, khoảng cách để xử lý".
Một lỗi nữa mà người tham gia giao thông hay vi phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là “không làm chủ tốc độ”, đặc biệt là trên đường cao tốc. Trong trường hợp gặp chướng ngại vật phía trước hoặc những tình huống có thể gây tai nạn ở phía trước mà làm chủ tốc độ thì sẽ tránh, giảm bớt được tai nạn, thương vong. Chỉ có sự kiện bất ngờ, tình huống bất khả kháng khiến cho người điều khiển giao thông đã chú ý quan sát, làm chủ tốc độ nhưng vẫn không thể xử lý được thì mới được xác định là không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm pháp lý.
>>> Mời độc giả xem video Vụ xe Innova lùi trên cao tốc: Ai đúng, ai sai?