Theo cáo trạng truy tố, Công ty Nhật Cường được thành lập vào năm 2001 với vốn điều lệ 600 triệu đồng. Đến năm 2019, công ty đã thay đổi đăng ký kinh doanh 28 lần, vốn điều lệ là 38 tỷ đồng, do Bùi Quang Huy góp vốn toàn bộ. Bùi Quang Huy là Tổng giám đốc và đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này và hiện đang bỏ trốn.
Từ năm 2014-2019, Công ty Nhật Cường nhập lậu hàng hóa từ nước ngoài thông qua 16 nhà cung cấp với 2.502 đơn hàng với hơn 255.000 sản phẩm, trị giá hơn 2.900 tỷ đồng và đã thu lời bất chính 222 tỷ đồng.
|
Bị cáo Trần Ngọc Ánh - Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường. |
Việc nhập hàng bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển với sự tham gia của 9 đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép. Để che giấu hành vi bất hợp pháp, Công ty Nhật Cường sử dụng 2 hệ thống phần mềm kế toán để theo dõi, kiểm soát hàng hóa và tài chính.
Khai báo trước tòa, bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) khai nhận, bị cáo này làm việc tại doanh nghiệp từ năm 2002 và đến năm 2013 thì được giữ chức Phó tổng giám đốc, phụ trách mảng kinh doanh, buôn bán điện thoại, phụ kiện.
“Những năm đầu công ty sửa chữa linh kiện. Từ năm 2011-2012 công ty phát triển hệ thống bán lẻ. Năm 2009 có 9 cửa hàng, đến năm 2015 có 15 cửa hàng, các cửa hàng ban đầu ở Đường Láng… có doanh thu lớn nhất. Nguồn hàng chủ yếu từ các nhà cung cấp trong nước của các hãng Nokia, Samsung… và nhập hàng từ nước ngoài”, bị cáo Ánh khái quát.
Theo lời bị cáo Ánh, trước tháng 7-2015, các hoạt động mua bán hàng hóa do Bùi Quang Huy phụ trách. Sau khi Bùi Quang Huy mở rộng các mảng khác như phần mềm thì bị cáo Ánh được giao việc giao dịch với các nhà cung cấp.
Công ty Nhật Cường mua hàng từ các nhà cung cấp trong nước và mua hàng ở nước ngoài, thuê các công ty vận chuyển về nước. Bị cáo Ánh thừa nhận làm việc với 12/16 nhà cung cấp nước ngoài.
Việc tìm kiếm, móc nối các nhà cung cấp do Bùi Quang Huy thực hiên. Bùi Quang Huy lập các nhóm chát thông qua ứng dụng Whapsapp, Wechat để trao đổi với các nhà cung cấp.
Bị cáo Ánh bị quy kết đồng phạm với Bùi Quang Huy về hành vi buôn lậu hơn 2.500 đơn hàng với hơn 255.000 sản phẩm, trị giá hơn 2.927 tỷ đồng. Con số này được trích xuất từ hệ thống phần mềm công ty.
Tại tòa, bị cáo Ánh không thắc mắc số liệu trên nhưng đề nghị làm rõ cho bị cáo tham gia ở giai đoạn nào. “Bị cáo không liên quan đến toàn bộ con số này. Trước năm 2015, bị cáo không biết việc mua hàng của công ty. Trong số 12 nhà cung cấp không phải đơn hàng nào bị cáo cũng tham gia, có những đơn hàng anh Huy trực tiếp làm”, bị cáo Ánh trình bày.
Trước tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) cũng đã có những khai báo về việc chuyển hàng nghìn tỷ đồng qua các tiệm vàng ở Hà Nội. Bị cáo Ngọc thừa nhận là người quản lý tài chính, thu, chi tiền của Công ty Nhật Cường.
Bị cáo được Bùi Quang Huy giao đầu mối chuyển tiền cho các nhà cung cấp. Trong đó, bị cáo đưa trực tiếp cho Ngô Xuân Sửu, nhà cung cấp Công ty Miền Tây, khoảng hơn 200 tỷ đồng. Còn các nhà cung cấp khác, bị cáo thanh toán qua trung gian, thông qua tiệm vàng Lộc Phát, ở phố Hà Trung chuyển 1.729 tỷ đồng và tiệm vàng Thuận phát ở phố Hàng Dầu là 795 tỷ đồng.
Bị cáo Ngọc khai nhận làm theo chỉ đạo của cấp trên là Bùi Quang Huy và Trần Ngọc Ánh. Bị cáo không biết việc công ty nhập hàng lậu. Sau khi bị điều tra bị cáo này mới hiểu là đã vi phạm pháp luật.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Ngọc thừa nhận tội “Buôn lậu” nhưng đề nghị tòa án xem xét các tình tiết giảm nhẹ, vai trò, vị trí của bị cáo trong vụ án. Còn với tội “Vi phạm quy định về kế toán”, bị cáo này không đồng tình vì cho rằng bản thân không quản lý, phụ trách phần mềm của Công ty Nhật Cường.