Tại cuộc họp báo, ông Phạm Thanh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh số 09/2024 ngày 2/7/2024 của Chủ tịch nước về việc Công bố Luật Thủ đô 2024.
Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024.
|
Công bố Luật Thủ đô 2024.
|
Thông tin tại cuộc họp báo, ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012, Quốc hội khóa XV tại kỳ họp 7 đã thông qua Luật Thủ đô và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội.
Cùng với đó, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Ngoài ra, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013.
"Luật Thủ đô cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô", ông Khôi nói.
Bên cạnh đó, Luật Thủ đô 2024 bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa tại dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô.
Cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ.
Đồng thời, với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội và quy trình, thủ tục, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố. Kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Luật Thủ đô 2024 cũng theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA đánh giá về việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi):