Đối với câu hỏi của bạn Nguyễn Đức Hùng, Luật sư Nguyễn An Bình (Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cơ chế phối hợp giữa lực lượng công an xã/phường với lực lượng Cảnh sát Giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 27/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, công an xã tuần tra, kiểm soát cùng Cảnh sát Giao thông phải thực hiện kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chịu sự kiểm tra, giám sát của Cảnh sát Giao thông. Nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì Cảnh sát Giao thông đường bộ xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Trường hợp không có Cảnh sát Giao thông, công an xã khi tuần tra, kiểm soát phải thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thường xuyên thông báo cho lực lượng Cảnh sát Giao thông. Nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, công an phường được xử phạt những hành vi trong thẩm quyền xử phạt. Nếu vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
|
Công an phường ở Hà Nội dừng xe một trường hợp không đội mũ bảo hiểm. (Ảnh: D.T). |
Mặt khác, theo Điều 7 Thông tư số 47/2011/TT-BCA của Bộ Công an, khi phối hợp tham gia tuần tra, kiểm soát, lực lượng công an xã có quyền bố trí lực lượng tham gia tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch và thống kê, báo cáo các vụ việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ; kết quả tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính theo sự phân công. Trường hợp không có Cảnh sát Giao thông đi cùng, lực lượng công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về phạm vi hoạt động, khoản 4 Điều 7 Thông tư số 47/2011/TT-BCA cũng quy định, công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn quản lý và bị nghiêm cấm dừng xe, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của công an cấp xã gồm: Điều khiển mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chở hàng cồng kềnh; đỗ xe ở lòng đường trái quy định; điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tháo ống xả, không có gương chiếu hậu; chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện; họp chợ dưới lòng đường và lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.
Từ các quy định trên, có thể thấy công an cấp xã/phường không có thẩm quyền xử lý vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu có kế hoạch đã được cấp trên phê duyệt, công an cấp xã/phường vẫn có quyền tuần tra, kiểm soát, lập biên bản vi phạm hành chính đối với người vi phạm nồng độ cồn rồi báo cáo, chuyển hồ sơ để cấp trên giải quyết theo thẩm quyền./.