Phát biểu tại phiên thảo luận ở Quốc hội, đại biểu (ĐB) Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đề cập đến vấn đề thu hồi tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Ông cho rằng điều kiện kinh tế-xã hội của chúng ta còn khó khăn, nhiều công trình, hạng mục cấp thiết không đủ vốn đầu tư thì các vụ án kinh tế, tham nhũng được phanh phui làm thất thoát hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng.
“Các cá nhân gây ra sự bức xúc này là tội đồ, đáng bị lên án và đáng bị pháp luật xử lý nghiêm minh” - ông Hận nói. Ông cho rằng với hành vi gây thất thoát ấy, dù có dành bản án cao nhất là tử hình cũng chưa đảm bảo tính răn đe, chưa bảo đảm công bằng cho xã hội. Với số tiền đó, nếu không bị thất thoát, tham nhũng, chúng ta sẽ có thêm vốn đầu tư cho các kè sạt lở bờ sông, xây dựng các công trình phòng, chống lũ quét, lũ ống, góp phần làm giảm đáng kể số người thiệt mạng vì thiên tai trong thời gian qua.
“Ngoài chế tài nặng thì nội dung thu hồi tài sản thất thoát cũng rất quan trọng và có tính răn đe cao, tránh tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, bố chấp nhận ngồi tù vài chục năm nhưng vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời” - ĐB Cà Mau kiến nghị.
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cũng chỉ rõ tình trạng kỷ cương, kỷ luật khi thực thi chính sách pháp luật trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa nghiêm.
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang phát biểu tại nghị trường. Ảnh: TTXVN |
Theo ông, còn tình trạng lợi ích nhóm, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn... gây bức xúc trong dư luận. Kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng chưa được thực hiện nghiêm, việc xác định và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời.
“Qua theo dõi cổ phần hóa DNNN thời gian qua cho thấy việc thực hiện còn thiếu minh bạch, lợi ích nhóm, có hiện tượng can thiệp chưa đúng quy định của pháp luật” - ĐB Đắk Nông nói và dẫn chứng quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
Theo ông, Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Bộ GTVT với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực GTVT, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vinalines, chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ, để xảy ra nhiều vi phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn, không đúng với đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt. Bộ GTVT đã ban hành hai văn bản cho phép Vinalines bán cho Công ty Hợp Thành 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.
Từ những sai phạm này, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ hủy bỏ hai văn bản và kiến nghị thu hồi số cổ phần này. “Rõ ràng ở đây là vi phạm từ phía cơ quan quản lý nhà nước là chính, lợi ích nhóm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư khi tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN” - ông Giang nhấn mạnh.
Ông Giang cũng nêu một dẫn chứng khác là trường hợp cổ phần hóa Sabeco. Quá trình cổ phần hóa có nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến sau khi cổ phần hóa khó thu hồi khoản nợ cho ngân sách.
Dẫn chứng thứ ba là quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Sau thoái vốn nhà nước, các nhóm cổ đông có những tranh chấp lợi ích dẫn đến kiện cáo, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN.
“Có thể thấy với cách làm trên đây đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia vào cổ phần hóa DNNN, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, thương mại, góp phần làm chậm quá trình cổ phần hóa DNNN” - ông nói.
ĐB Đắk Nông sau đó đề nghị thực hiện cổ phần hóa, các DNNN phải công khai, minh bạch. Đồng thời có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện việc cổ phần hóa cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn…
Cần ngăn chặn Trung Quốc xả thải xuống Việt Nam
ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cho rằng môi trường dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã đến lúc cần phải quan tâm vì toàn bộ các sông, suối xuyên biên giới chủ yếu từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam.
Trung Quốc hiện đầu tư rất nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, chế xuất, khai thác tài nguyên khoáng sản, tốc độ đô thị hóa cao dọc biên giới. Từ đó các chất thải, nước thải độc hại xả xuống sông, suối xuyên biên giới, trong đó có chảy xuống Việt Nam đã gây không ít ảnh hưởng về môi trường, sức khỏe, sản xuất của người dân.
“Tôi đề nghị Chính phủ rà soát, nếu chưa có hiệp định về quản lý môi trường xuyên biên giới thì sớm đàm phán để ký kết nhằm quản lý, bảo vệ môi trường…” - vị ĐB nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị Chính phủ và các tỉnh biên giới cần có công hàm gửi phía Trung Quốc để yêu cầu bồi thường cho Việt Nam nếu phía Trung Quốc không xả đập thủy điện hoặc xả đột ngột gây thiệt hai cho Việt Nam…