Kiến Thức đã có bài phản ánh “Giáo viên cho hai nam sinh tát vào miệng nữ sinh vì… văng tục”, đề cập đến sự việc cô giáo Đặng Thị Huyền – Giáo viên bộ môn Hóa học - Trường THPT Cao Bá Quát Gia Lâm (TP Hà Nội) cho hai nam sinh tát vào miệng nữ sinh Đinh T. P. M., - lớp 10 của trường này do văng tục trong giờ khiến dư luận xôn xao.
Từ thời điểm xảy ra sự việc (ngày 13/9) đến nay, tinh thần của nữ sinh P.M.luôn trong trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, xấu hổ mỗi khi bước chân đến trường buộc người nhà phải luôn đi kèm. Người thân của nữ sinh M. rất bức xúc trước hình thức xử phạt học sinh theo kiểu “chợ búa” của cô giáo Huyền vì đã làm mất danh dự của em trước toàn thể 43 bạn học, trong khi cô giáo Huyền có thâm niên công tác đã nhiều năm.
|
Trường THPT Cao Bá Quát Gia Lâm (Hà Nội), nơi xảy ra sự việc giáo viên cho hai nam sinh tát vào miệng nữ sinh vì văng tục. |
Cô giáo Huyền đang khuyến khích bạo lực học đường
Nói về sự việc trên, chiều ngày 8/11, trao đổi với PV Kiến Thức, PGS.TS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) - nhận định: “Trong thực tế, việc giáo viên gây bạo lực học đường là không đúng, dùng học sinh để đánh học sinh thì lại càng sai thêm. Sự việc xảy ra, cô giáo Huyền xử phạt em P.M. như vậy là một khuyết điểm lớn gây sự mất đoàn kết, hậu quả sau này thật sự khó lường”.
PGS.TS Văn Như Cương cho rằng: “Tôi nghĩ tình trạng trên nên chấm dứt tại trường THPT Cao Bá Quát Gia Lâm, phải có hình thức kỷ luật rõ ràng đối với những giáo viên như cô Huyền. Nếu học sinh mắc khuyết điểm thì mình cần phải có cách giáo dục, có hình thức xử phạt theo các quy định chứ không nên cho học sinh đánh bạn như vậy, làm như thế có nghĩa là cô Huyền đang khuyến khích bạo lực học đường”.
|
PGS.TS Văn Như Cương. Ảnh GDVN. |
Theo PGS.TS Văn Như Cương, nếu xét về mặt kỷ luật cô giáo Huyền thì cần phải xem xét quá trình từ trước, xem giáo viên Huyền có phẫn nộ điều gì trước hay là cô vẫn thường xuyên đối xử với học sinh như thế mới thi hành kỷ luật. “Theo thông tin thì trường THPT Cao Bá Quát Gia Lâm đã phạt cảnh cáo cô Huyền trước toàn thể hội đồng nhà trường, đó cũng là một hình thức xử phạt nặng rồi. Tuy nhiên, cô giáo Huyền vẫn cần tổ chức xin lỗi công khai em P.M. và xin lỗi cả lớp học đó, việc này rất cần đến”, PGS.TS Văn Như Cương chia sẻ.
Hình phạt nào dành cho cô giáo?
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc cô giáo cho hai nam sinh tát vào miệng nữ sinh, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội - cho biết: “Cô giáo Đặng Thị Huyền trong vụ việc nêu trên có hành vi vi phạm là “không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng”. Quy định Luật viên chức 2010 và nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/04/2012 của Chính Phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường hoàn trả của viên chức thì hình thức kỷ luật “cảnh cáo” đối với viên chức”.
Tuy nhiên, nếu gia đình em P. M. có yêu cầu xử lý hành chính cô giáo Huyền thì hành vi của cô giáo Huyền có thể không chỉ dừng lại ở hình thức kỷ luật tại nhà trường, và cơ quan công an có thể áp dụng điểm a khoản 2 điều 5 Nghị định 167/2013 ngày 12/11/2013 của Chính Phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình” để xử phạt vi phạm, với mức tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Luật sư Cường bày tỏ, thời gian gần đây có rất nhiều những clip học sinh đánh bạn tràn lan khắp các mạng xã hội, các vụ việc bạo lực học đường gia tăng nhưng chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, gây bất an trong xã hội khiến các bậc phụ huynh lo lắng, thì nay lại thêm sự việc nêu trên có dấu hiệu xúi giục học sinh đánh nhau xuất hiện càng khiến dư luận thêm hoang mang. Do đó cần phải xử lý nghiêm khắc vi phạm của cô giáo Huyền để ngăn ngừa, giáo dục chung đối với xã hội, đặc biệt là bản thân các em học sinh.