Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy - người trực tiếp tham gia điều trị thành công cho 2 cha con người Trung Quốc mắc COVID-19 chia sẻ: “Dù đã một năm trôi qua từ ngày chúng tôi tiếp nhận 2 bệnh nhân người Trung Quốc mắc COVID-19, đây cũng là 2 ca nhiễm đầu tiên của Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn không thể quên được thời điểm đó”.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy.
TS.BS Lê Quốc Hùng nhớ như in ngày 23/1/2020 (nhằm 28 tết Canh Tý), khi đa số các y bác sĩ Bệnh viện đều trở về sum họp bên gia đình để chuẩn bị đón năm mới. Lúc đó Bệnh viện thông báo có 2 cha con người Trung Quốc nghi mắc COVID-19 nên yêu cầu y bác sĩ Bệnh viện phải có mặt gấp. “Lúc đó tôi chạy vào Bệnh viện với tâm trí rối bời, vừa đi vừa lo lắng rất nhiều. Bởi những kiến thức về căn bệnh này chưa có nhiều trên các báo khoa học; trong nhóm bác sĩ cũng đã cập nhật nhưng còn nhiều thông tin mình chưa biết như virus đó nguồn gốc như thế nào, nguồn lây ra làm sao, cách thức lây, diễn tiến bệnh học… cũng chưa có gì hết” – BS Hùng nhớ lại.
|
Ca đầu tiên mắc COVID-19 tại Việt Nam trong ngày xuất viện. |
Theo BS Hùng, trước khi đến viện, người cha có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch vành được đặt stent và ung thư phổi. Điều đáng nói, khi người cha được cách ly điều trị, người con lúc đó chỉ bị sốt nhẹ, không chịu cách ly và muốn trở về khách sạn ở quận 11. Người con nói đã mua thuốc uống mà không biết mình đã mắc bệnh như người bố. Người này đòi về nhà, bệnh viện phải thuyết phục gần 30 phút. Sau đó, anh ta chấp nhận và cách ly để làm các xét nghiệm.
Nếu bệnh viện không chủ động và có hướng giải quyết, người con rời viện lúc đó để trở về cộng đồng thì nguy cơ lây lan bệnh là hết sức phức tạp. Trong quá trình điều trị, do bất đồng ngôn ngữ, bệnh nhân có lúc không hợp tác… cũng gây nhiều khó khăn cho ê-kip.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận và điều trị ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam cách đây một năm.
Hàng chục năm trong nghề, TS.BS Lê Quốc Hùng khẳng định: Đây là căn bệnh để lại trong ông nhiều ấn tượng khó quên nhất. Bởi ông đã gặp rất nhiều căn bệnh lạ như SARS, EBOLA… nhưng thời điểm xảy ra COVID-19 lại ngay dịp tết nên đã thay đổi toàn bộ một đơn vị, một khoa, một Bệnh viện do có nhiều tình tiết so với các bệnh khác.
“Do tất cả đều chưa biết nên chúng tôi chỉ lấy kinh nghiệm từ những đợt điều trị trước, lập kế hoạch cho nhân viên để điều trị cho bệnh nhân. Tất cả đều điều trị theo phán đoán, kinh nghiệm… Đây là giai đoạn đầu nên Bệnh viện rất lo lắng, phải theo dõi bệnh nhân rất kỹ để thay đổi phương án điều trị, làm sao cho phù hợp nhất” – BS Hùng nói.
Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy phải huy động tất cả những khả năng có được của Khoa, của Bệnh viện, nhân viên y tế luôn trong tư thế sẵn sàng để không chỉ điều trị cho ca đầu tiên mà có thể còn rất nhiều người sau đó. Do đó toàn bộ nhân viên y tế chuyển từ trạng thái nghỉ tết sang trạng thái trực chiến.
Bộ Y tế tặng hoa 2 cha con người Trung Quốc trong ngày xuất viện.
Bây giờ biết rõ bệnh hơn, có phương án cụ thể. Đối với từng bệnh nhân khác nhau sẽ có phương án rõ ràng, không như lúc đầu chưa biết gì. Tất cả những kinh nghiệm, lập luận, theo dõi rất sát để có phương án cụ thể.
“Thời khắc hạnh phúc nhất của tập thể y bác sĩ chúng tôi là khi 2 cha con hoàn toàn khỏi bệnh. Lúc họ xuất viện, ai cũng vui vì thấy được sự sum họp của gia đình. Chúng tôi cảm thấy đạt được điều gì đó rất quan trọng, khẳng định cho người dân yên tâm được phần nào vì trong giai đoạn đầu chống dịch và điều trị bệnh thành công. Hiện, các bác sĩ trong khoa vẫn có kết nối thông tin với người con. Một vài lần nhận được thư cảm ơn và biết được sức khỏe của họ vẫn rất tốt, khỏe mạnh” – BS Hùng cho biết.
Một năm nhìn từ khi Việt Nam có bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19, lại, vị bác sĩ dày dặn kinh nghiệm và tâm huyết khẳng định: Đây là một sự hy sinh rất lớn của nhân viên y tế. Họ hiểu rõ nguy cơ của một bệnh truyền nhiễm mà nhiều người không hề biết. Bệnh truyền nhiễm khác với các căn bệnh nội khoa khác, có thể lây cho nhiều người khác, chuyển biến cấp tính.
Niềm hạnh phúc đoàn tụ của gia đình bệnh nhân.
Đặc biệt là đối với căn bệnh rất lạ, chưa ai biết chữa, chưa biết nguồn gốc, những biến chứng có thể xảy ra… Bệnh diễn biến nhanh và chính nhân viên y tế có thể trở thành người mắc bệnh, có thể trở thành người tử vong đầu tiên đối với căn bệnh đó. Điều đó giống như người lính cảm tử. Khi đi chưa biết mình sẽ sống chết thế nào, có được trở về hay không nhưng họ vẫn xung phong lên đường khi có lệnh điều động. Đây là hình ảnh rất đặc trưng của nhân viên y tế, đội ngũ những bác sĩ công tác trong lĩnh vực điều trị bệnh truyền nhiễm.
“Chúng tôi rất cám ơn tập thể các bác sĩ, anh em trong khoa, các đợt đi công tác, các chiến dịch nhân viên y tế đã tham gia để điều trị căn bệnh này” - TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy gửi gắm.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới từng điều trị thành công cho nhiều ca mắc COVID-19 trong suốt năm qua, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tâm sự: “Đã một năm đã trôi qua, tuy Bệnh viện có những thành tựu nhất định và chưa để xảy ra trường hợp tử vong nhưng thách thức lớn vẫn còn ở phía trước! Các biện pháp cách ly khi nhập cảnh, theo dõi xét nghiệm, truy vết ca tiếp xúc để cách ly... cũng như thực hiện “5K” của Bộ Y tế gồm Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế cho đến nay rất có hiệu quả ngăn chặn bệnh lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên chỉ cần một thoáng lơ là, là có thể sẽ phải trả giá. Cuộc chiến vẫn còn phía trước! Chúng ta phải chờ có vaccin thì mới có thể tạm an tâm!”.