Mới đây, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình (chú ruột của cựu bác sĩ Hoàng Công Lương) cho biết, Lương đã mãn hạn tù và trở về với gia đình.
Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết: "Sau khi hết thời hạn chấp hành án, Lương sẽ như những công dân bình thường, ngành y tế cũng không có “đặc cách” nào cả. Để tiếp tục theo “nghề” thì Lương sẽ phải thực hiện các bước tuyển dụng như những công dân khác là phải nộp hồ sơ tuyển dụng và thi tuyển vào ngành”.
|
Cựu bác sĩ Hoàng Công Lương từ trại giam trở về.
|
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, thông thường với những vụ án hình sự mà bị cáo vi phạm quy tắc nghề nghiệp thì sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề trong một thời gian nhất định. Hết thời gian này thì có thể làm các thủ tục để tiếp tục hành nghề theo quy định.
Bởi vậy, đối với cựu bác sĩ Hoàng Công Lương thì cần phải xem lại bản án đã có hiệu lực pháp luật có áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề trong một khoảng thời gian nhất định hay không? Nếu bản án có quy định thì phải xong thời hạn đó mới tính đến việc làm các thủ tục để tiếp tục hành nghề.
Luật sư Cường cho biết thêm, ngoài ra, theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực y tế thì những người vi phạm quy định về nghề nghiệp đến mức xử lý hình sự sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề. Trường hợp của cựu bác sĩ Hoàng Công Lương bị xác định là có hành vi vi phạm về chuyên môn gây thiệt mạng đến nhiều bệnh nhân và đã bị thu hồi chứng chỉ hành nghề mà muốn hành nghề trở lại thì phải làm các thủ tục để xin cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp cựu bác sĩ Hoàng Công Lương đã chấp hành xong hình phạt chính và hình phạt bổ sung, đủ điều kiện để hành nghề theo quy định của pháp luật thì sẽ làm thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề và tiếp tục hoạt động nghề nghiệp theo chuyên môn trình độ của mình.
Trước đó, tại phiên toà ngày 19/6/2020, cựu bác sĩ Hoàng Công Lương bị Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hòa Bình tuyên phạt 30 tháng tù về tội Vô ý làm chết người trong vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong vào cuối tháng 5/2017.
Ngoài bị cáo Lương, bị cáo Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư) cũng bị tuyên 30 tháng tù giam; Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh Hoà Bình) 30 tháng tù giam; Đỗ Anh Tuấn (nguyên giám đốc công ty Thiên Sơn) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trương Quý Dương (cựu giám đốc bệnh viện Hoà Bình) bị tuyên 30 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
>>> Xem thêm video: Hoàng Công Lương nhận tội, Bộ Y Tế giải trình trước tòa