Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh rút ngắn quá trình công nghiệp hóa

Google News

Theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, chuyển đổi xanh là phục vụ cho phát triển bền vững gồm phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và góp phần xóa đói, giảm nghèo...

GS.TS Nguyễn Văn Phước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM trình bày tham luận trên tại Diễn đàn “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững” sáng 30/9 trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Techconnect and Innovation Vietnam 2023.
Tham dự diễn đàn có ông Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch VUSTA...
Chuyen doi so, chuyen doi xanh rut ngan qua trinh cong nghiep hoa
GS.TS. Nguyễn Văn Phước trình bày tham luận tại Diễn đàn. 
Trình bày tham luận về “thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới" và "Đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các ngành chuyển đổi xanh” GS.TS Nguyễn Văn Phước cho rằng, chuyển đổi xanh là phục vụ cho phát triển bền vững gồm có ba mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Các hoạt động chuyển đổi xanh gồm: chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. 
Chuyen doi so, chuyen doi xanh rut ngan qua trinh cong nghiep hoa-Hinh-2
Trao giấy chứng nhận, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị. 
Nói về chuyển dịch năng lượng, theo GS.TS Nguyễn Văn Phước đây là tiến trình để chuyển đổi năng lượng. Giai đoạn đầu tiên là phải tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, đầu tư máy móc thiết bị, sử dụng năng lượng có hiệu quả. Kế đến, chuyển dịch sang sử dụng các năng lượng tái tạo, năng lượng gió. Tiếp tục mở rộng để sử dụng năng lượng sạch hơn từ nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường.
Theo báo cáo của EVN, chúng ta thấy sự chuyển dịch năng lượng những năm qua. Từ năm 2019 đến nay cho thấy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo gia tăng. Số liệu cũng cho thấy, đến tháng 5/2023, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn điện là 80.704 MW. Nhiệt điện than 32,3%; thủy điện khoảng 28,5%; điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời mái nhà) 20,5%; tuabin khí 9,2%; điện gió 6,3%; các nguồn khác bao gồm nhiệt điện dầu, điện sinh khối và nhập khẩu khoảng 2.594 MW, 3,2%.Hiện nay tổng công suất điện mặt trời và điện gió trên bờ, gần bờ của Việt Nam đạt được khoảng 21.600MW, đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á.
GS.TS Nguyễn Văn Phước nhận định, tỷ lệ sản lượng điện từ năng lượng tái tạo qua các năm 2019-2023 có tăng nhưng không ổn định.
Chuyen doi so, chuyen doi xanh rut ngan qua trinh cong nghiep hoa-Hinh-3
Ông Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, phát biểu tại diễn đàn.
 
Về chuyển đổi công nghiệp xanh, GS.TS Nguyễn Văn Phước cho biết, hiện nay, Việt Nam theo quy hoạch có khoảng 563 khu công nghiệp tại 61 tỉnh thành: 397 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó chỉ có khoảng 7 khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, 7 đơn vị này hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng chậm.
Trong khi đó, việc chuyển đổi công nghiệp xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút FDI; tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; mở rộng quan hệ ngoại giao,...
Tiến trình phát triển chuyển đổi công nghiệp xanh gồm: kiểm soát ô nhiễm, sản xuất sạch hơn, hiệu quả sinh thái, tư duy vòng đời, sản xuất khép kín và công nghiệp sinh thái. Trong trường đại học và công ty, với sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã có nhiều cơ sở xử lý phát thải cao. Tuy nhiên, khi triển khai đến từng nhà máy, hiệu quả lại rất thấp. Các nhà máy, doanh nghiệp hiện nay chỉ tiếp thu quản lý nội vi, thay vì đầu tư công nghệ để tăng tính hiệu quả.
Bên cạnh đó, nông nghiệp bền vững Việt Nam đang có sự cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, thiếu bền vững do thị trường, tính ổn định về chất lượng sản phẩm, chưa kiểm soát được thuốc bảo vệ thực vật...Tầm nhìn 2050, Việt Nam hướng tới trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới thông qua công nghệ, IoT (internet vạn vật).
PGS.TS Phước cũng nhận định, kinh tế tuần hoàn đã được nhiều doanh nghiệp triển khai. Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chiến lược sản xuất, tận dụng từ nguồn năng lượng tự nhiên đến tái sử dụng chất thải.
"Doanh nghiệp là nhóm đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050", ông Phước nói và đề xuất các cơ quan xây dựng chính sách cần xây dựng cơ chế hỗ trợ các ngành. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đạt mục tiêu chung của quốc gia.
Trước đó, phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2022, Chính phủ ban hành Quyết định 569 về chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, quan điểm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, diễn đàn đi sâu vào chủ đề chuyển đổi số dưới góc độ đổi mới sáng tạo, tập trung chuyển đổi số trong doanh nghiệp, không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới.
Theo Thứ trưởng Duy, chuyển đổi xanh không chỉ là công nghệ hướng tới môi trường; mà còn là thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh hướng tới nâng cao tính hiệu quả hoạt động. Mục tiêu thứ hai là giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy kỳ vọng các diễn giả tại sự kiện sẽ tập trung thảo luận về các biện pháp thực thi chính sách và cụ thể hoá các chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong tình hình mới, đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các ngành chuyển đổi xanh.
Tại diễn đàn,TS.Jenny Elmaco - Điều phối viên của Horizon Europe tại khu vực Asean (Euraxess Asean) trình bày với tham luận “Thúc đẩy Chương trình hợp tác quốc tế về nghiên cứu chung và đổi mới sáng tạo của Horizon Europe cho Việt Nam”; Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp - Quản lý Chương trình công trình xanh tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Mông Cổ và Thái Lan, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) trình bày bài tham luận“Tài chính xanh cho phát triển bền vững”.
GS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã chia sẻ các nội dung tổng quan phát triển kinh tế số tại tỉnh Quảng Ninh. Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tiếp nối bằng câu chuyện về hành trình chuyển đổi số của Rạng Đông. Tiếp đến là hệ sinh thái các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp sẽ được ông Nguyễn Văn Yên – Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chia sẻ.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, 8 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa các bên đã được trao.
Chiều 30/9, cũng trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Techconnect and Innovation Vietnam 2023, sẽ diễn ra hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2023 và lễ bế mạc sự kiện.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ngành nông nghiệp không muốn lỡ chuyến tàu chuyển đổi số

Nguồn: VTV1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)