Từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ chính thức được triển khai ở lớp 10. Đáng chú ý, ngoài bảy môn học bắt buộc, môn lịch sử trở thành một trong chín môn tự chọn cho học sinh (HS). Điều này đã gây ra những luồng ý kiến trái chiều, đa phần lo ngại môn học này sẽ bị “xóa sổ”, nhất là ở những trường có thế mạnh về nhóm môn khoa học tự nhiên.
|
Học sinh hóa thân thành Hai Bà Trưng trong chương trình Ngày hội hóa thân thành các nhân vật lịch sử do các trường THPT tại quận 1, TP.HCM tổ chức năm 2019. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Vẫn nhiều HS chọn môn lịch sử
Nhận xét tổng thể về chương trình mới của lớp 10, bà Phạm Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Anh (thị trấn Đông Anh, Hà Nội), cho biết chương trình GDPT mới sẽ đi rộng, bám sát và định hướng các phương thức cho giáo viên để truyền tải lượng kiến thức cho HS.
Theo bà Hiền, trường sẽ căn cứ trên cơ sở đội ngũ cán bộ, giáo viên, theo nhu cầu thực tế của HS, từ đó có định hướng cụ thể cho những bộ môn, phân môn.
Trước băn khoăn về việc trong chương trình mới ở lớp 10 năm tới đây sẽ đưa môn lịch sử thành môn tự chọn, có thể sẽ xảy ra tình trạng chênh lệch lớn về số lượng HS theo môn học tự nhiên và xã hội trong các nhà trường? Bà Hiền khẳng định: “Vừa qua, trường có 11 lớp nhưng có năm lớp ban tự nhiên, còn lại có tới sáu ban xã hội. Điều này cho thấy xu hướng HS học ban xã hội đang tăng lên. Vì vậy không cần quá lo lắng”.
Theo thầy Hà Thái Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), “vạn sự khởi đầu nan”, mặc dù chương trình GDPT mới được khởi động từ năm 2018 nhưng năm học 2022-2023 mới bắt đầu áp dụng đối với lớp 10 bậc THPT.
Tuy nhiên, hiện các giáo viên của nhà trường đã được tập huấn, tiếp cận dần với các bộ sách giáo khoa để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp, chuẩn bị cho chương trình GDPT mới.
Về việc môn lịch sử không còn là môn học bắt buộc, thầy Bình cho rằng tất cả môn học đều có sự hấp dẫn riêng, chương trình GDPT mới sẽ đảm bảo về phương pháp, kiến thức để HS phát huy được sự tối đa đam mê, thích thú của HS.
Ngoài ra, các trường sẽ có định hướng cần thiết dựa trên đội ngũ giáo viên của nhà trường, vì vậy sẽ khó có thể xảy ra tình trạng HS theo học môn tự nhiên và xã hội có sự chênh lệch lớn.
Tìm cách “cứu” môn lịch sử
Ở thời điểm này, hầu hết trường THPT đều đã lên các phương án, kế hoạch tổ chức dạy học cho lớp 10 để chuẩn bị công tác tuyển sinh đầu vào. Để môn học quan trọng như lịch sử không bị mai một và giảm thiểu tác động đến việc bố trí giảng dạy cho giáo viên, một số trường đã có những phương án để HS được học lịch sử một cách phù hợp hơn.
Cụ thể nhất là tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TP.HCM), trong kế hoạch dự kiến trường đưa ra cho năm học tới, ngoài bảy môn học bắt buộc sẽ có bảy nhóm tổ hợp môn tự chọn. Trong đó có đến bốn nhóm tổ hợp có môn lịch sử cho sáu lớp. Cụ thể hơn là có một nhóm học môn lịch sử chuyên sâu gồm hai lớp và ba nhóm có môn lịch sử thường.
Theo lý giải của Hiệu trưởng Hoàng Sơn Hải, đây là môn học quan trọng và trường cũng có đến năm giáo viên dạy lịch sử. Nếu để HS chọn, môn này sẽ dễ bị “teo tóp”, bởi lâu nay môn này luôn có điểm thi thấp. Do đó, trường sẽ chia tổ hợp tự chọn ở lớp 10 phải đảm bảo vừa duy trì môn học này vừa đủ số tiết cho một giáo viên trong năm.
Trong đó, ở nhóm có môn chuyên sâu, ngoài kiến thức cơ bản, các em được học nâng cao hơn để đáp ứng năng lực của các em cũng như việc xét tuyển ĐH. Còn những lớp khác, trường sẽ tổ chức dạy môn này theo hướng nhẹ nhàng, cơ bản cho HS.
“Bên cạnh phương án bố trí môn học, trường cũng sẽ tổ chức tư vấn, thuyết phục và động viên HS nên chọn môn lịch sử như là môn yêu thích nhằm tìm hiểu, phát huy truyền thống yêu nước, văn hóa, đạo lý của dân tộc. Trường cũng triển khai cho giáo viên bộ môn này đổi mới cách giảng dạy, đánh giá để các em thích thú học hơn” - ông Hải chia sẻ.
Tương tự, theo phương án Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) vừa công bố, ngoài bảy môn bắt buộc, trường đã xây dựng bảy nhóm môn tự chọn. Trong đó có bốn nhóm môn thuộc khoa học tự nhiên và ba nhóm thuộc khoa học xã hội. Đặc biệt, nhóm môn xã hội nào cũng đều có ba môn là lịch sử, địa lý và giáo dục kinh tế - pháp luật. Riêng khối khoa học tự nhiên cũng có một nhóm tổ hợp trường đưa môn lịch sử vào để HS được học.
Theo nhà trường, mỗi HS sẽ có hai nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên 1 và ưu tiên 2. Trong đó, mỗi HS chọn hai trong bốn nhóm môn thuộc khoa học tự nhiên hoặc thuộc khoa học xã hội nên HS vẫn nhiều cơ hội theo học môn lịch sử chứ không để HS tự chọn hoàn toàn.
Trường cũng lưu ý HS lựa chọn môn học nào phải theo học suốt ba năm học. Việc xếp biên chế lớp sẽ căn cứ vào số lượng lớp, số HS mỗi lớp (25-35 em), theo nguyện vọng đăng ký và tham khảo điểm trung bình các môn lớp 9 theo nhóm môn đã chọn.
Tại Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM), Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Khoa cho biết năm học tới trường dự kiến có 30 lớp 10. Trường sẽ tổ chức dạy học theo hướng tôn trọng lựa chọn của HS nhưng trong khả năng tổ chức của trường.
Với môn lịch sử, ông Khoa cho rằng đây là môn học cần thiết nhưng không bắt buộc các em phải học chính khóa mới có kiến thức.
“Nếu ít HS lựa chọn, trường sẽ tổ chức các hoạt động chuyên đề, ngoại khóa để lồng ghép dạy lịch sử cho các em, những nội dung các em cần phải biết. Việc này vừa tạo điều kiện để giáo viên lịch sử thực hiện chuyên môn vừa để các em vẫn được cập nhật thông tin, coi trọng truyền thống lịch sử hơn” - ông Khoa nói.
Môn lịch sử là chương trình chuyên sâu
Ở cấp THPT, chương trình môn lịch sử là chương trình chuyên sâu, giúp những HS có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai, bao gồm các chủ đề và chuyên đề như: Lịch sử và sử học; cộng đồng các dân tộc Việt Nam; chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam; lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông…
Theo yêu cầu chọn năm môn học từ ba nhóm môn học lựa chọn (nhóm môn khoa học xã hội, nhóm môn khoa học tự nhiên, nhóm công nghệ và nghệ thuật), trong đó mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học bên cạnh bảy môn học bắt buộc, những HS có định hướng nghề nghiệp khác vẫn có thể chọn học môn lịch sử với các chủ đề học tập như đã quy định trong chương trình GDPT.
Như vậy, có thể khẳng định là chương trình GDPT mới đã thực hiện nội dung giáo dục lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân một cách đầy đủ, toàn diện theo đúng chủ trương của Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay…
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết,
Tổng chủ biên Chương trình GDPT năm 2018