Cầu an cũng mất phí
Chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) sáng 17/2, khung cảnh không còn tấp nập và ồn ào như những ngày trước đó.
Phía ngoài, những người làm dịch vụ trông xe và bán hoa lễ cho khách rảnh rang hơn, họ bàn tán rôm rả về câu chuyện: Bị từ chối giải hạn vì thiếu 50 nghìn đồng mà Báo Lao Động đăng tải mới đây.
"Năm nào báo chí cũng viết nhiều nhưng chưa lần nào thấy dư luận chỉ trích nặng như lần này. Nhà chùa xử sự vậy với phật tử đúng là không hay", ông H., làm dịch vụ trông xe ở cổng chùa chia sẻ với PV.
|
Chùa Phúc Khánh trước ngày đại lễ cầu an. |
Trong khuôn viên chùa, lác đác cảnh phật tử cúng lễ rồi nhanh chóng ghé vào khu vực đăng ký dâng sao giải hạn tại Chùa Phúc Khánh.
Chùa Phúc Khánh còn có tên Chùa Sở được dựng vào thời Hậu Lê. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1988.
Chùa vốn dĩ ban đầu chỉ là một ngôi chùa làng, thuộc làng Sở. Trước đây chùa cũng chỉ là nơi lễ Phật của người dân làng Sở. Chùa đặc biệt thu hút được nhiều người từ khắp các địa phương tìm đến trong khoảng vài chục năm trở lại đây.
Trụ trì chùa hiện nay là Thượng tọa Thích Thanh Quyết.
Bên cạnh gói "giải hạn sao xấu" đã gắn liền với thương hiệu của chùa thì hôm nay nhiều du khách và phật tử cũng rất quan tâm đến gói "cầu an" có giá là 150 nghìn đồng/lượt, diễn ra vào chiều 14 tháng giêng.
"Cầu an là làm những gì mà mất 150 nghìn?" - tôi hỏi.
“Chưa thấy ai đi chùa mà hỏi thế cả. Kỳ quá. Tiền ấy là để nhà chùa chuẩn bị hương hoa và viết sớ hộ. Hôm tới đây làm lễ không phải mang theo gì, chỉ cần tới dự và nhận lộc mang về thôi” - người thu tiền cầu an tại chùa nhắn nhủ.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Hòa thượng (HT) Thích Huệ Thông - Phó Tổng thư Ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Phật giáo có nghi thức cúng cầu an đầu năm nhằm nguyện cầu cho quốc thái dân an. Phật tử có thể cúng dường theo tùy hỷ, không có chuyện quy định mức tiền cúng là bao nhiêu.
Bình luận về việc chùa Phúc Khánh tổ chức thu tiền cầu an của phật tử, Phó Tổng thư Ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định:
"Chùa Phúc Khánh tổ chức thu tiền cầu an của phật tử là trái với chủ trương của Giáo Hội phật giáo Việt Nam, chúng tôi sẽ trao đổi với trụ trì chùa Phúc Khánh về vấn đề này".
|
Du khách thường đóng tiền giải hạn và cầu an cùng lúc. |
Cách đây 1 năm, Đại lễ cầu an năm 2018 tại chùa Phúc Khánh có hàng nghìn lượt người tham dự. Dù diễn ra vào buổi tối nhưng ngay từ trưa, khuôn viên chùa đã chật kín. Đoạn đường cạnh Ngã Tư Sở bị tê liệt hoàn toàn bởi biển người ngồi san sát nhau, sì sụp khấn vái suốt hàng giờ đồng hồ.
Trong tháng Giêng, ngoài việc tổ chức đại lễ cầu an, chùa Phúc Khánh còn liên tiếp mở các khóa lễ dâng sao giải hạn với hàng ngàn người tham dự. Chi phí của mỗi lần "giải hạn" cũng là 150 nghìn đồng.
17 hòm công đức
Bên cạnh những pho tượng phật, điều mà khách thập phương dễ nhìn thấy nhất khi vãn cảnh chùa Phúc Khánh là... hòm công đức. Mỗi hòm công đức to ngang 1 chiếc tủ cỡ nhỏ, xuất hiện khắp nơi trong chùa: từ sân, chính điện đến sát các ban thờ, pho tượng.
Khách đến công đức, người ít thì 50, 100 nghìn, người nhiều hơn thì 500 nghìn, cứ thế cuốn số ghi danh phật tử "thành tâm" ngày một dày thêm.
|
Số lượng hòm công đức ở chùa Phúc Khánh gấp gần 6 lần quy định. |
Điều đáng buồn là số lượng hòm công đức này gấp gần 6 lần theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Theo ghi nhận, không chỉ chùa Phúc Khánh, một số chùa, đền lớn trên cả nước, số lượng hòm công đức cũng vượt nhiều lần theo quy định. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài.
Liên quan đến vấn đề này, Báo Lao Động sẽ tiếp tục phản ánh và xin ý kiến của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch về việc xử phạt các chùa, đền, di tích vi phạm.