“Chúng tôi chẳng có quyền lợi gì trong này”
Sáng 9/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, Bộ trưởng đã khẳng định các trạm BOT khi đã hoàn vốn thì sẽ dừng thu phí.
Ngày 22/4/2020, Bộ trưởng cũng đã trả lời bằng văn bản số 3844 về nội dung kiến nghị dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long -Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt, một trạm thu phí gây nhiều bức xúc cho người dân vì vị trí đặt không đúng.
|
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định). Ảnh: QH. |
Trong công văn trả lời, Bộ trưởng cho biết, dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc thời gian thu phí hoàn vốn nhưng đến thời điểm hiện tại, trạm thu phí vẫn còn hoạt động bình thường.
"Đến bao giờ trạm thu phí vô cùng bất cập này sẽ chính thức được dỡ bỏ? Theo tôi lời hứa của Bộ trưởng với người dân do đại biểu Quốc hội chuyển đến cần được giám sát", ông Lân Hiếu nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài là dự án có nhiều bức xúc ở Hà Nội. Bộ đã có những phương án kết thúc BOT này.
"Tuy nhiên, tôi trả lời cho đại biểu Hiếu là thời điểm doanh thu BOT đang tốt. Nhưng sau đó COVID-19 nên doanh thu sụt giảm", ông Thể nói.
Ông Thể cho hay, các trạm BOT trước đây ký hợp đồng có điều chỉnh. Theo đó, khi doanh thu tăng thì nhiều dự án giảm 3-5 năm. Còn những dự án khó khăn thì phải kéo dài thời gian để đảm bảo hài hòa. Dù không áp dụng theo luật PPP, trong các điều khoản hợp đồng đều nêu có khó khăn vướng mắc thì giám sát, phối hợp xử lý.
“Là cơ quan Nhà nước, chúng tôi cũng chẳng có quyền lợi gì trong này, nhưng phải giám sát để nhà đầu tư làm đúng theo hợp đồng đã ký kết", Bộ trưởng Thể cho hay.
|
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: QH. |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu và tiến hành rà soát lại để đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư với người dân. Theo đó, qua rà soát, kiểm tra, nếu các hợp đồng đủ điều kiện dừng thì dừng ngay, không để lại trạm nữa.
Có lợi ích nhóm trong thu phí không dừng?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã dùng quyền tranh luận chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông về việc chậm lắp đặt thu phí không dừng. Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhắc lại, khi Bộ trưởng mới nhậm chức, đại biểu từng chất vấn về BOT.
|
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội). Ảnh: QH. |
"Bộ trưởng khi đó hứa với tôi chắc như đinh đóng cột rằng đến năm 2019 sẽ hoàn thành lắp đặt thu phí không dừng. Nhưng suốt thời gian qua chúng ta làm nửa với, thiếu kiên quyết, chưa có hạn chót. Nhiều nơi làm nhưng chỉ được một hai luồng trên rất nhiều luồng qua trạm thu phí. Nhiều khi đi qua tôi thấy rất kỳ lạ", ông Trí nói.
Theo ông Trí, việc thu phí không dừng trên các tuyến đường BOT phải minh bạch hoạt động thu tiền, tài chính. Cử tri cho rằng chậm triển khai thu phí không dừng là do có gian lận, lợi ích nhóm.
“Thực sự có thật hay không, phải trả lời được câu hỏi này", đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn.
Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, đến năm 2019, theo đề án Chính phủ giao, mỗi trạm BOT ít nhất 2 làn thu phí tự động. Nếu dán thẻ không được nhiều thì đi trên các làn thu phí tự động rất khó khăn. Đến nay mới có 3,2 triệu ôtô dán thẻ thu phí không dừng.
Đề án của Chính phủ, tất cả các trạm BOT đều có 2 làn xe là thu phí không dừng, đảm bảo đúng theo tiến độ dự án. Tiến độ thực hiện cũng phải từng bước mở rộng dần ra, chứ không thể nào không có thẻ, chưa dán thẻ mà đã làm nhiều thì cũng không thể nào sử dụng được.
Về quy định thời hạn đến 31/7/2022 không hoàn thành việc thu phí tự động thì phải xả trạm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết là dựa trên cam kết của các đơn vị với Chính phủ. Đến thời điểm đó, trạm nào thực hiện xong thì tiến hành thu phí, trạm nào không xong thì phải xả trạm.
Việc lắp đặt thu phí không dừng liên quan đến người dân nên rất nhạy cảm, các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an rất quan tâm đến vấn đề này.
Về việc liệu có lợi ích nhóm hay không, Bộ trưởng Thể khẳng định: "Đến nay chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa cơ quan nhà nước cấu kết với nhà đầu tư. Còn nếu có vấn đề gì bên trong, nếu có vi phạm gì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tôi nghĩ chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này".
|
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình). Ảnh: QH. |
Liên quan đến thu phí không dừng, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ đã điều chỉnh lại những phương án tài chính cho doanh nghiệp chưa để bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư cũng như bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam?
Thực tế, việc liên quan đến nguồn thu phí không dừng này là từ nguồn ngân sách nhà nước để hoàn trả lại cho các nhà đầu tư. Còn nếu thực hiện thực hiện xả trạm như thế này nhưng khi mất tiền ngân sách nhà nước thì ai sẽ chịu trách nhiệm?