Hợp thức hồ sơ chiếm dụng tiền quỹ
Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil) về 2 tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ”.
Bà Nguyễn Thị Như Phương (Phó giám đốc Xuyên Việt Oil) bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; 13 bị can còn lại bị truy tố về một trong hai tội nêu trên hoặc tội “Nhận hối lộ” và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Kết luận cáo buộc, từ tháng 8/2016, bị can Mai Thị Hồng Hạnh là người đại diện pháp luật, Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐTV, chủ sở hữu Công ty Xuyên Việt Oil (trụ sở tại Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM). Đến thời điểm khởi tố vụ án, Xuyên Việt Oil có 15 chi nhánh, 6 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 9 công ty liên quan…
Năm 2016, sau khi nắm giữ công ty, Xuyên Việt Oil của Hạnh được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh có thời hạn 5 năm, qua đó trở thành Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Cuối 2021, quỹ bình ổn xăng dầu"Xuyên Việt Oil tiếp tục được Bộ Công thương cấp lại giấy phép kinh doanh. Lợi dụng được Nhà nước giao thu hộ tiền Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) và quản lý, sử dụng tiền quỹ tại công ty, Hạnh đã làm trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.
Theo đó, Hạnh không chỉ đạo nhân viên công ty thực hiện trái quy định của pháp luật về trích lập Quỹ BOG theo thông báo điều hành kinh doanh xăng dầu của Bộ Công thương. Thay vào đó, bị can yêu cầu Nguyễn Thị Như Phương (Phó Giám đốc) chuyển tiền từ tài khoản Xuyên Việt Oil vào tài khoản cá nhân để Hạnh sử dụng.
Nhằm đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng, Hạnh yêu cầu nhân viên kế toán lập 81 báo cáo tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG theo định kỳ hàng tháng, gửi đến Bộ Công thương, Bộ Tài chính, báo cáo số dư quỹ.
Cơ quan An ninh điều tra kết luận, trong 81 báo cáo nêu trên, Mai Thị Hồng Hạnh trực tiếp ký 22 báo cáo; còn lại do Nguyễn Thị Như Phương ký.
Ngoài ra, trước tháng 11/2021 (thời điểm công ty đang hoạt động và còn khả năng tài chính), Hạnh chỉ đạo 3 nhân viên được Hạnh bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc để thay Hạnh kỳ báo cáo khi Hạnh đi vắng; hoặc ký báo cáo tình hình Quỹ BOG để phát hành theo định kỳ...
Tháng 5/2023, Hạnh và Phương tiếp tục ký công văn gửi Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương báo cáo số dư Quỹ BOG là 219 tỷ đồng, nhưng tổng số dư thực tế trong 3 tài khoản Quỹ BOG chỉ còn hơn 2 triệu đồng.
Ba tháng sau, Bộ Công thương thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Xuyên Việt Oil và yêu cầu Hạnh chuyển nộp toàn bộ số tiền Quỹ BOG tại doanh nghiệp vào ngân sách. Tuy nhiên, Hạnh không thực hiện do đã sử dụng tiền vào nhiều mục đích khác nhau.
Theo Cơ quan điều tra, Hạnh không còn khả năng hoàn trả tiền Quỹ BOG số tiền 219 tỷ đồng, đây cũng là khoản tiền gây thất thoát.
Chiếm dụng quỹ, thuế đem tiền mua bất động sản, hối lộ quan chức
Ngoài Quỹ BOG, bà Hạnh còn bị cáo buộc "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tiền thuế bảo vệ môi trường".
Theo quy định, thuế bảo vệ môi trường là loại gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Nhóm chịu thuế là người tiêu dùng, số tiền thuế được tính vào giá bán hàng hóa và đưa cho người bán hàng để thay người mua nộp vào ngân sách theo định kỳ hàng tháng.
Thuế bảo vệ môi trường không phải là tiền từ vốn, tài sản, lợi nhuận kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà họ chỉ giúp Nhà nước thu hộ số tiền thuế này từ người tiêu dùng.
Sau khi thu hộ tiền, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải nộp tiền này vào ngân sách theo định kỳ.
CQĐT cáo buộc, từ tháng 10/2021 -7/2022, dù đã thu hộ 1.244 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường nhưng Công ty Xuyên Việt Oil không nộp theo đúng thời hạn là 90 ngày kể từ khi nộp tờ khai thuế.
Hiện Xuyên Việt Oil còn phải nộp tổng 1.244 tỷ đồng (chưa tính lãi phạt chậm nộp) vào ngân sách.
Khoản tiền trên, bà Hạnh yêu cầu nhân viên chuyển tiền từ tài khoản của Công ty, sang các tài khoản cá nhân cùng với các khoản tiền khác của công ty, với tổng 12.625 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Trong đó, từ tháng 10/2021 - 2/2023, bà Hạnh đã rút tổng 1.937 tỷ đồng từ các tài khoản của công ty. Hiện các công ty của bà Hạnh còn nợ xấu tại một số ngân hàng tổng 6.178 tỷ đồng.
Trong tất cả tài khoản ngân hàng của bà Hạnh và Xuyên Việt Oil hiện chỉ còn 4 tỷ đồng và 244 USD. Cơ quan điều tra cho rằng, bà Hạnh không còn khả năng tài chính để nộp số tiền thuế bảo vệ môi trường đã thu hộ vào ngân sách nhà nước.
Do vậy, cơ quan điều tra cáo buộc bà Hạnh đã chuyển số tiền thuế bảo vệ môi trường thu hộ cho nhà nước ra khỏi tài khoản của Công ty Xuyên Việt Oil. Số tiền này, bà Hạnh "hình thành tài sản đứng tên cá nhân" hoặc sử dụng vào mục đích mua bất động sản, vay vốn ngân hàng đưa hối lộ...
Trong vụ án, cơ quan điều tra xác định nhóm bà Hạnh hối lộ 8 bị can: Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Công Thương); Trần Duy Đông (nguyên Vụ trưởng Thị trường trong nước, Bộ Công Thương); Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Lộc An (đều nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước); Lê Duy Minh (nguyên Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, nguyên cục trưởng Thuế TPHCM); Đặng Công Khôi (nguyên Cục phó Quản lý giá, Bộ Tài chính); Phan Kiến Anh (nguyên Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn); Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) tổng hơn 1,2 triệu USD.
Cạnh đó, bà Hạnh còn biếu nhiều đồng hồ xa xỉ thương hiệu Patek Philippe, cho một số quan chức. Trong đó, ông Lê Đức Thọ được biếu, tặng 4 chiếc (có chiếc trị giá khoảng 10 tỷ đồng); 1 bộ gậy golf nhãn hiệu Honma, trị giá 1,1 tỷ đồng; 1 xe sang hiệu Mercedes S450 Luxury, trị giá 6,7 tỷ đồng.